Chính sách - Đầu tư

Ninh Bình biến di sản thành nguồn thu 10.000 tỷ đồng, đang tiến bước vào Mạng lưới sáng tạo UNESCO

Tuấn Anh 23/05/2025 10:07

Ninh Bình đang chuyển mình mạnh mẽ thành trung tâm công nghiệp văn hóa của đồng bằng Sông Hồng.

Di sản và định hướng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa

Trong bối cảnh cả nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, Ninh Bình - vùng đất Cố đô ngàn năm đang cho thấy quyết tâm rõ rệt trong việc phát triển công nghiệp văn hóa như một trụ cột kinh tế mới. Đây không chỉ là hướng đi tất yếu nhằm lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc, mà còn là con đường nhanh nhất để thúc đẩy tăng trưởng, khơi dậy sức mạnh mềm, đồng thời giữ gìn bản sắc truyền thống giữa dòng chảy hiện đại hóa.

Tràng An Ninh Bình
Du khách tấp nập tại Tràng An - Ninh Bình

Với hệ sinh thái văn hóa – thiên nhiên đa dạng hàng đầu vùng đồng bằng Bắc Bộ, Ninh Bình hiện sở hữu hơn 1.800 di tích và 430 di sản phi vật thể. Trong đó có những di sản cấp quốc tế như Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu đất ngập nước Vân Long, vùng biển Kim Sơn – Cồn Nổi. Những tài nguyên này đã được tỉnh xác định là nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa gắn với đô thị di sản, từng bước hướng tới mục tiêu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, lợi thế di sản của Ninh Bình chính là “chất liệu vàng” để phát triển công nghiệp văn hóa. Thực tiễn cho thấy nhiều lĩnh vực đã có bước tiến đáng kể như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh và truyền thông.

Kinh tế văn hóa đóng góp rõ nét vào tăng trưởng tỉnh

Trong giai đoạn 2020–2025, Ninh Bình đạt mức doanh thu du lịch ấn tượng, ước tính 29.598 tỷ đồng, riêng năm 2025 dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng – gấp 6,3 lần năm 2020. Ngành lưu trú và ăn uống, vốn gắn chặt với du lịch, cũng tăng trưởng đáng kể, đóng góp khoảng 3,1% vào GRDP toàn tỉnh và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động.

thành phố Hoa Lư
Ninh Bình từng là một địa phương có số liệu phát triển kinh tế thấp, tuy nhiên nhiều năm trở lại đây tỉnh đã có những thay đổi mạnh mẽ

Đặc biệt, nhóm ngành truyền thông, quảng cáo, sự kiện, thời trang và nghệ thuật biểu diễn đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khoảng 6,29% trong năm 2023. Riêng ngành thông tin – truyền thông đã tạo ra 1.716 tỷ đồng giá trị gia tăng (năm 2023), tăng 2,42 lần so với năm 2010, đóng góp 1,9% vào GRDP, và tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động.

Năng suất lao động trong ngành thông tin – truyền thông tại Ninh Bình cao gấp hơn 6 lần so với mặt bằng chung toàn tỉnh, cho thấy dư địa phát triển lớn nếu được đầu tư bài bản. Toàn tỉnh hiện có khoảng 14 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, trở thành lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số và sáng tạo nội dung.

Đặc điểm nổi bật của công nghiệp văn hóa tại Ninh Bình là tính liên ngành và phụ thuộc vào di sản – cảnh quan, tạo nên sự gắn kết tự nhiên giữa văn hóa, du lịch và truyền thông. Các ngành như điện ảnh, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn… không chỉ nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn mở ra cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ địa phương.

Thách thức và tầm nhìn dài hạn

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công nghiệp văn hóa tại Ninh Bình vẫn đối diện không ít thách thức. PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra rằng liên kết giữa các ngành vẫn còn lỏng lẻo; doanh nghiệp trẻ còn e dè với lĩnh vực văn hóa sáng tạo; sản phẩm văn hóa chưa đủ độc đáo để cạnh tranh quốc tế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, đặc biệt trong các ngành như mỹ thuật, thiết kế, phần mềm và game.

Nhằm khắc phục điểm nghẽn này, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2025–2035, định hướng đến 2050. Một số bước đi được đánh giá cao như thành lập Ủy ban tư vấn sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm văn hóa, thí điểm mô hình hợp tác công – tư và xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai cho các doanh nghiệp văn hóa.

Học hỏi từ các cố đô sáng tạo như Jeonju (Hàn Quốc), Chiang Mai (Thái Lan), Ninh Bình đã từng bước hoàn thiện hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố Hoa Lư đang được định hướng trở thành “vùng lõi sáng tạo”, nơi thử nghiệm các mô hình kinh tế văn hóa kết hợp giữa bảo tồn và đổi mới sáng tạo.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nền tảng di sản vững chắc, cộng hưởng cùng quyết tâm chính trị và chiến lược bài bản, Ninh Bình đang tiến từng bước để trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa mới của khu vực đồng bằng Sông Hồng. Không chỉ là “đất thiêng ngàn năm”, Ninh Bình đang khẳng định mình là “đất sáng tạo thời đại mới” – nơi di sản trở thành nguồn lực phát triển, nơi văn hóa hòa quyện cùng tăng trưởng bền vững.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Ninh Bình biến di sản thành nguồn thu 10.000 tỷ đồng, đang tiến bước vào Mạng lưới sáng tạo UNESCO
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO