Những thương vụ trái phiếu ít biết của Công ty Chứng khoán Everest

Cập nhật: 12:10 | 07/04/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty Chứng khoán Everest là nhân tố trọng yếu đứng sau các thương vụ phát hành trái phiếu cả nghìn tỷ đồng của nhóm Gami Group và Central Capital.

Lô trái phiếu 700 tỷ đồng của Hoa Lâm An

Ngày 30/12/2021, Công ty CP Thương mại dịch vụ Hoa Lâm An (viết tắt là Công ty Hoa Lâm An) khởi động đợt chào bán trái phiếu có mã LACCH2124001, với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm.

Sau gần 3 tháng, Công ty Hoa Lâm An đã hoàn tất quá trình phân phối trái phiếu. Với kỳ hạn 36 tháng, lô trái phiếu trên sẽ đáo hạn ngày 31/12/2024; theo thỏa thuận, nhà đầu tư nhận tiền lãi sau mỗi 12 tháng.

Là tổ chức phát hành, Công ty Hoa Lâm An phải đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu theo quy định tại Thông tư số 122/2020 của Bộ Tài chính. Vậy nhưng, văn bản cung cấp thông tin gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX của Công ty Hoa Lâm An khá qua loa, thiếu nhiều chi tiết quan trọng, được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm như: điều khoản trái phiếu, tài sản bảo đảm, mục đích phát hành, các tổ chức liên quan...

Những thương vụ trái phiếu ít biết của Công ty Chứng khoán Everest

Liên quan đến hoạt động huy động trái phiếu, CTCK Everest và Gami Group không phải là mối quan hệ xa lạ.

Điều đó ẩn chứa nhiều rủi ro về sự minh bạch, khiến nhà đầu tư, cơ quan quản lý khó nắm bắt mục đích huy động vốn lớn của doanh nghiệp bất động sản này, cũng như thiếu căn cứ đánh giá về chất lượng của lô trái phiếu.

Nhằm rộng đường dư luận, đồng thời dự báo những rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tìm hiểu, và được biết lô trái phiếu có liên quan đến "hệ sinh thái" của Công ty Chứng khoán Everest (HNX: EVS, CTCK Everest).

1 đồng vốn 'cõng' 6 đồng nợ

Về tổ chức phát hành, theo tìm hiểu, Công ty Hoa Lâm An thành lập ngày 24/12/2007, trụ sở chính đặt tại trung tâm thành phố Hà Nội. Trước tháng 12/2020, doanh nghiệp lấy tên là Công ty CP Tuổi thơ hy vọng, do bà Lê Hồng Nhung (SN 1983) làm người đại diện pháp luật.

Được biết, bà Lê Hồng Nhung là một "mắt xích" trong hệ sinh thái của một tập đoàn đa ngành có tiếng ở Thủ đô, sẽ được đề cập rõ hơn ở phần sau.

Sau đó, doanh nghiệp tiến hành đổi tên, đồng thời ông Đặng Việt Hưng (SN 1982) xuất hiện, thế chỗ cho bà Lê Hồng Nhung. Cũng trong những ngày cuối năm 2020, Công ty Hoa Lâm An có bước tăng vốn "thần tốc", từ 500 triệu đồng lên 120 tỷ đồng, tương ứng gấp ... 240 lần.

Đến tháng 10/2021 - hai tháng trước thời điểm chào bán trái phiếu, ông Đặng Việt Hưng nhường lại vị trí Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật cho ông Chu Mạnh Tuấn (SN 1987), doanh nhân đang trú tại Hà Nội.

Ngoài những chuyển động liên tục về thượng tầng, Công ty Hoa Lâm An còn gây nhiều chú ý bởi năng lực tài chính khiêm tốn. Theo dữ liệu của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán, tại ngày lập báo cáo tài chính năm 2021, tổng tài sản (nguồn vốn) của Công ty Hoa Lâm An chỉ đạt 120 tỷ đồng, tài trợ hoàn toàn từ vốn chủ sở hữu.

Như vậy, lô trái phiếu LACCH2124001 có giá trị gấp 6 lần vốn tự có của Công ty Hoa Lâm An. Nôm na là doanh nghiệp chỉ có 1 đồng vốn, nhưng huy động đến 6 đồng nợ trái phiếu với lãi suất cao (11,5%/năm), tính ra chỉ mất 2 năm là số lãi đó sẽ "ngốn" sạch số vốn của họ.

Trên thực tế, trong lần trả lãi đầu tiên vào ngày 30/12/2022, Công ty Hoa Lâm An đã phải chi ra hơn 63 tỷ đồng cho các trái chủ, là nguyên nhân "thổi bay" quá nửa vốn chủ sở hữu. Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn không có động thái tăng thêm vốn.

Không chỉ với bộ đệm vốn "mỏng manh" đang bị "bào mòn", Công ty Hoa Lâm An còn "ngủ đông" triền miên trong những năm qua. Cụ thể, doanh nghiệp gần như không có lịch sử kinh doanh, suốt các năm 2017-2021, doanh thu thuần đứng im ở mức "0 đồng", trong khi lãi/lỗ ròng đan xen trong khoảng vài chục triệu đồng.

Có thể nhận thấy bộ hồ sơ năng lực của Công ty Hoa Lâm An đang bộc lộ nhiều vấn đề. Và những vấn đề đó, không ai nắm rõ hơn các bên tham gia dàn xếp thương vụ, đơn cử như CTCK Everest, bởi họ có trách nhiệm thu thập, rà soát các thông tin liên quan, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho nhà đầu tư, tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Vì vậy, sẽ là "logic" nếu Công ty Hoa Lâm An thực chất là một SPE (Special Purpose Entity) - dạng doanh nghiệp được một tập đoàn lập ra với mục đích đặc biệt (chủ yếu là huy động vốn), chứ không phải vì mục tiêu sản xuất kinh doanh đơn thuần.

Mối 'thân' Gami Group - Everest

Minh chứng cho điều đó, theo tài liệu của Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, ông Chu Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc đương nhiệm của Công ty Hoa Lâm An hiện còn đứng tên ở một số doanh nghiệp khác, trong đó nổi bật là Công ty TNHH Thăng Long Thành Cổ - công ty con của Công ty CP Thương mại dịch vụ Ô tô Tiến Thành, vừa sáp nhập đầu năm 2022.

Người điều hành của Ô tô Tiến Thành là ông Cao Quang Minh (SN 1979). Ông Cao Quang Minh cũng là nhân sự cấp cao tại Công ty CP Thương mại dịch vụ giải trí Việt Media, doanh nghiệp có địa chỉ tại số 11 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của Gami Group, tập đoàn do doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng sáng lập từ năm 1993. Gami Group khởi đầu là nhà phân phối của nhiều hãng xe hơi tại Việt Nam, đến nay đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, trọng tâm là kinh doanh bất động sản.

Ở mảng bất động sản, trong những năm gần đây, Gami Group đã liên tục "săn" các dự án có quy mô lớn, có vị trí đắc địa để thâu tóm, như Khu đô thị Hanoi Westgate (Quốc Oai, Hà Nội), Khu đô thị Tuần Châu Marina (TP. Hạ Long, Quảng Ninh), Khu đô thị Thủy Tú (tên thương mại Eco Charm)...

Việc đầu tư phát triển nhiều dự án cỡ "khủng", khiến Gami Group phải tìm cách huy động thêm nguồn lực, và ngoài kênh tín dụng ngân hàng đang khó tiếp cận với lĩnh vực địa ốc, kênh trái phiếu được xem là ưu tiên chọn lựa hàng đầu của tập đoàn.

Liên quan đến hoạt động huy động trái phiếu, Gami Group và CTCK Everest không phải là mối quan hệ xa lạ.

Chủ tịch HĐQT đương nhiệm Everest, ông Nguyễn Hải Châu đã và đang có nhiều khoản đầu tư vào các công ty trong hệ sinh thái Gami Group, ví dụ: Công ty CP G-AutoMobile, Công ty CP Công nghiệp chế tạo Ô tô Bách Việt (đang tạm ngừng kinh doanh)...

Đặc biệt, ông Nguyễn Hải Châu còn xuất hiện trong danh sách cổ đông của Công ty CP Đầu tư địa ốc Mai Viên, tổ chức phát hành lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng, với sự hỗ trợ của CTCK Everest.

Tương tự, CTCK Everest cũng là đơn vị tham gia đợt phát hành trái phiếu 300 tỷ đồng của Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản - thành viên Gami Group, vào tháng 12/2020. Trong quá khứ, CTCK Everest cũng từng nắm giữ tới 215,7 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP Gami Hội An.

Một thương vụ trái phiếu khác, có nhiều điểm tương đồng với Công ty Hoa Lâm An kể trên, đó là gói phát hành 900 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Trường, cũng mang đậm dấu ấn giữa Gami Group và CTCK Everest.

Bên cạnh đó, CTCK Everest trong thời gian gần đây, đã thường xuyên có những hoạt động kinh doanh với sự phối hợp chặt chẽ với một ngân hàng cổ phần lớn trong nước.

Mối quan hệ càng được thắt chặt từ khi nhà sáng lập Gami Group Nguyễn Tiến Dũng rời ghế chủ tịch để tham gia điều hành ngân hàng này, trên cương vị Phó chủ tịch ngân hàng. Người thay thế ông Dũng tại Gami Group là bà Tạ Thị Tú Trinh - chị dâu của ông.

Cú bắt tay giữa CTCK Everest và nhà băng kia thể hiện rõ nét qua những thương vụ phát hành trái phiếu cho nhóm Gami Group, và nhóm Central Capital - cái tên đang xuất hiện dày đặc trên truyền thông, do vướng phải những "lùm xùm" về trái phiếu.

Chứng khoán Everest và Chứng khoán An Bình bị phạt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thuộc "họ" Tân Hoàng Minh

CTCK Everest và CTCK An Bình cùng bị phạt với lý do sai phạm trong việc tư vấn phát hành trái phiếu và công bố ...

Chứng khoán Everest sắp phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo, lãi suất cao nhất 11,5%

Công ty CP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công ...

Lãnh đạo chứng khoán Everest dùng cổ phiếu cá nhân làm tài sản đảm bảo khoản vay cho công ty

Công ty CP Chứng khoán Everest (EVS) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua thỏa thuận sử dụng cổ phiếu EVS thuộc sở hữu ...

Vân Oanh