Những phiên 2-3 tỷ USD, thậm chí 5 tỷ USD sẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt đỉnh cũ

Cập nhật: 17:12 | 01/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Chuyên gia VPBankS, dự phóng khả năng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và chính thức lọt rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm 2023

Tại Hội thảo "Tích luỹ vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" do Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã thảo luận về triển vọng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2023.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS nhận định, vì có nền kinh tế mở nên khi thế giới “hắt hơi sổ mũi” Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Điều này phản ánh vào kết quả GDP 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 3,72%.

Những phiên 2-3 tỷ USD, thậm chí 5 tỷ USD sẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt đỉnh cũ
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS

Tuy nhiên từ tháng 7, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, với chỉ số sản xuất (PMI) giảm chậm hơn, phản ánh lực cầu tăng khi lạm phát giảm xuống. Lực cầu xuất khẩu cũng nhích dần trong 3 tháng gần đây và được kỳ vọng phục hồi vào cuối năm.

Theo ông Sơn, trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, hiệu ứng phụ rủi ro là chênh lệnh VND và USD, tỷ giá bắt đầu có hiện tượng tăng lên sau tháng 7. Tuy nhiên hiện tại, NHNN vẫn đang điều hành linh hoạt và tỷ giá chỉ dao động trong biên 2% trở xuống.

Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục tăng khi Fed vẫn dự kiến còn một lần tăng lãi suất nữa. Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS dự báo tỷ giá có thể căng thẳng trong quý 3 nhưng sẽ dần hạ nhiệt dần trong quý 4. "Cho đến cuối năm, tỷ giá sẽ chỉ dao động không quá 2%, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5-5,5% trong năm 2023", ông Sơn dự báo.

Theo ông Sơn, lãi suất đã thể hiện rõ vai trò trong 6 tháng đầu năm, còn động lực tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm chính là đầu tư công. Hiện còn khoảng 20 tỷ USD nguồn vốn này cần giải ngân, giúp thúc đẩy cả tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.

Bình luận thêm về tình hình vĩ mô, TS.Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đồng tình với dự báo nền kinh tế thế giới sẽ có xu hướng đi ngang hoặc đi lên. Theo ông Nghĩa, trong lịch sử, khi kinh tế thế giới đi ngang hoặc đi lên thì kinh tế Việt Nam đi lên rất rõ ràng. Ông dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,3-5,5% trong năm 2023, và 6% vào năm 2024.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm.

Thứ nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới, các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên. "Họ cũng không phải chịu tác động từ chính sách lãi suất cao hay việc thiếu hụt thanh khoản của Việt Nam trong giai đoạn trước", ông Nghĩa cho biết.

Thứ hai là vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Sắp tới, Chính phủ cũng có hàng loạt biện pháp như kiểm soát các mỏ đá, giao người đứng đầu các địa phương làm trưởng ban giải phóng mặt bằng,...

Thứ ba là cầu tiêu dùng, dù tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có sự sụt giảm nhẹ trong nửa đầu năm song giai đoạn cuối năm, với việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh hơn cùng với yếu tố mùa vụ trong mùa mua sắm cuối năm chắc chắn sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.

Dù vậy, ông Nghĩa cho rằng lãi suất vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm, hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp nhất là với mặt bằng lãi suất cho vay. Trong năm ngoái, lãi suất đã tăng hai lần với mức 1% mỗi lần và năm nay giảm 4 lần với mức 0,5%.

Như vậy, lãi suất hiện nay chỉ bằng trước khi tăng lãi suất, trong khi đó tăng trưởng tín dụng rất thấp nên nền kinh tế vẫn chưa hấp thụ được nguồn vốn giá rẻ, chuyên gia chỉ ra.

VN-Index kỳ vọng vượt qua vùng 1.535 điểm

Về thị trường chứng khoán, theo ông Trần Hoàng Sơn, VN-Index vừa trải qua giai đoạn tích luỹ để đi lên, sau giai đoạn tuyệt vọng đi cùng diễn biến xấu của nền kinh tế. Các yếu tố hỗ trợ là chính sách kích thích tiền tệ, lạm phát giảm, lãi suất ngắn hạn giảm, lợi suất trái phiếu giảm, hàng hoá cơ bản và giá bất động sản chạm đáy.

Sau giai đoạn tích luỹ, thị trường sẽ bước vào giai đoạn “cất cánh”, với điều kiện kinh tế tăng trưởng trở lại, lạm phát duy trì mức thấp và niềm tin gia tăng. “Hiện tại, thị trường đang giao thoa giữa tích luỹ và ‘cất cánh’. Cả chính sách vĩ mô và các chỉ số đều cho thấy thị trường đã bước vào sóng tăng mới”, chuyên gia cho biết.

Những phiên 2-3 tỷ USD, thậm chí 5 tỷ USD sẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt đỉnh cũ

VN-Index trải qua tháng 5,6,7 tăng tốt, đặc biệt là nhịp tăng nước rút trong tháng 7. Tuy nhiên theo ông Trần Hoàng Sơn, định giá chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. P/B thấp hơn nhiều nước trong khu vực và thấp hơn mức trung bình. P/E cũng đang rất cạnh tranh, cùng ROE ở mức cao.

Ông Trần Hoàng Sơn cho biết, động lực để thị trường tiếp tục đi lên là tâm lý nhà đầu tư đã tích cực trở lại, khi thanh khoản tăng trung bình 13.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm lên 27.000 tỷ đồng 3 tháng gần đây, số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 6-7 lên tới 150.000-170.000 tài khoản.

Quan trọng hơn là chu kỳ kinh tế mới và kỳ vọng “sóng” nâng hạng thị trường. Hệ thống giao dịch mới (KRX) dự kiến vận hành vào cuối năm 2023, sẽ giúp giao dịch dễ dàng hơn, cung cấp các sản phẩm mới, rút ngắn chu kỳ thanh toán, cải thiện những yếu tố tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường...

Ông Sơn dự phóng, khả năng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 và chính thức lọt rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE vào kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Thống kê trong 20 năm trở lại đây, mỗi lần thị trường vào pha tăng mới thường đà tăng sẽ rất mạnh. Kỳ vọng dài hạn cho 1-2 năm tới, quy mô thị trường sẽ ngày càng lớn khi thị trường chính thức được nâng hạng.

“Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, việc nâng hạng sớm hay muộn chắc chắn sẽ xảy ra. Những phiên 2 - 3 tỷ USD, thậm chí 5 tỷ USD sẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt đỉnh cũ lên 1.535 điểm vào năm 2025", Giám đốc Chiến lược VPBankS chia sẻ.

CTCK chỉ ra 3 nhóm ngành có triển vọng tươi sáng trong những tháng cuối năm 2023

Agriseco Research nhận định một số nhóm ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh "đảo chiều" khởi sắc nửa cuối năm sẽ trở thành ...

Việt Nam phấn đấu rút ngắn lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Ngày 29/8/2023, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - bà Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì Hội nghị Gặp gỡ các ...

Hai nhóm cổ phiếu mang đến cơ hội đầu tư nếu VN-Index điều chỉnh về dưới 1.200 điểm

Mirae Asset kỳ vọng khi EPS của HSX bắt đầu hồi phục, VN-Index sẽ có xu hướng tăng trở lại vượt mốc 1.200 điểm và ...

Khánh Vân