Những điều nhà đầu tư cần biết về chiến lược Price Action trong chứng khoán

Cập nhật: 11:35 | 08/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Price Action là một phương pháp giao dịch theo biến động giá và không dựa vào bất kỳ tín hiệu nào. Nhiệm vụ chính của Price Action là phân tích và theo sát các thực thể tham gia vào thị trường và xác định chiều hướng biến động của giá.

Chiến lược Price Action

Price Action được dịch từ tiếng Anh là hành động giá. Đây là một phương pháp nhận định thị trường dựa trên sự phân tích chuyển động của giá theo từng thời điểm. Hiểu đơn giản, dựa trên sự biến động về giá của một loại tài sản nào đó để ra được quyết định giao dịch mua bán của nhà đầu tư.

Nguyên tắc hoạt động cơ bản của Price Action là mọi sự chuyển động của giá đều chịu ảnh hưởng từ những thực thể tham gia vào thị trường đầu tư bao gồm người mua, người bán, người giao dịch trung gian,.... Các yếu tố như kinh tế, xã hội, chính trị đều tác động đến hành vị giao dịch mua bán của họ. Do đó, mọi giá cả trên thị trường đều phản ánh tất cả mọi thứ. Các thông số giá cả biến động sẽ được thể hiện thông qua biểu đồ, mô hình,... trong suốt quá trình phân tích kỹ thuật.

Nhiệm vụ chính của Price Action là phân tích và theo sát các thực thể tham gia vào thị trường và xác định chiều hướng biến động của giá.

Những điều nhà đầu tư cần biết về chiến lược Price Action trong chứng khoán

Những điểm mạnh và điểm yếu của Price Action

Điểm mạnh

Đơn giản và dễ sử dụng: Price Action là một phương pháp phân tích và giao dịch đơn giản. Nhà đầu tư không phải sử dụng những chỉ số kỹ thuật đòi hỏi tính toán phức tạp. Thay vào đó, họ chỉ cần quan sát và ra quyết định dựa vào thay đổi của các cây nên giá trên biểu đồ. Hơn nữa, những tín hiệu trong Price Action có thể dễ dàng nhận biết và giao dịch.

Không có độ trễ: phương pháp này sử dụng biểu đồ giá, một công cụ được cập nhật liên tục hàng ngày, hàng giờ. Vì thế, nhà đầu tư có thể nhanh chóng đón đầu xu hướng và ra quyết định hợp lý.

Kích thích tính tư duy: khi sử dụng Price Action, nhà đầu tư được chủ động đánh giá và quyết định đầu tư thay vì phụ thuộc vào các chỉ số và sử dụng một cách máy móc. Nhà đầu tư có thể thể hiện khả năng quan sát, phân tích và nhận định thị trường của mình.

Điểm yếu

Mang tính chủ quan: Price Action có thể là lợi thế của những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm nhưng lại là bất lợi cho những người mới bắt đầu. Bởi vì mọi quyết định đều phụ thuộc vào cách nhận định của nhà đầu tư.

Độ chính xác không tuyệt đối: với một thị trường nhiều biến động, chỉ dựa vào biến động giá để đưa ra quyết định sẽ dễ dẫn tới sai lầm. Nếu có những sự thao túng giá, nhà đầu tư sẽ dễ nhầm lẫn và đối mặt với thua lỗ.

Tốn nhiều thời gian hơn: phương pháp này đòi hỏi dành nhiều thời gian hơn để theo dõi và nắm bắt biến động của thị trường. Điều này gây bất lợi cho nhiều nhà đầu tư.

Các công cụ phân tích trong Price Action

Dựa vào 1 cây nến

Trong biểu đồ nến Nhật, một cây nến có thể cho biết thông tin về giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất trong phiên giao dịch. Hơn nữa, màu sắc của nến, độ dài thân và râu nến đều có thể phản ánh xu hướng của bên mua và bên bán trên thị trường.

Hỗ trợ và kháng cự

Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ giá giúp nhà đầu tư tìm được khoảng giá mà tại đó giá có dấu hiệu sẽ đảo chiều hoặc di chuyển chậm lại trước khi tiếp tục xu hướng. Trong phương pháp Price Action, nhà đầu tư thường lựa chọn những vùng này để giao dịch.

Khi giá tăng đến vùng kháng cự, giá sẽ đảo chiều giảm hoặc chững lại. Nhà đầu tư có thể xem xét để bán cổ phiếu.

Khi giá giảm đến vùng hỗ trợ, giá sẽ đảo chiều tăng hoặc chững lại. Nhà đầu tư có thể cân nhắc vào lệnh mua.

Mẫu hình nến

Nhà đầu tư có thể quan sát những mẫu hình nến để có thông tin mạnh hơn về hành vi của các bên cũng như dự đoán xu hướng giá. Một số mô hình nến có thể cho dự báo về sự đảo chiều của giá, giúp nhà đầu tư ra quyết định kịp thời và tránh thua lỗ. Ví dụ: mô hình nến Doji, Hammer, Shooting Star, Pin bar,…

Mô hình giá

Khi kết hợp nhiều cây nến trong một khoảng thời gian nhất định, nhà đầu tư sẽ có những mô hình giá. Dựa vào đó, nhà đầu tư có thể xác định tâm lý thị trường và dự đoán những thay đổi của giá trong tương lai. Ví dụ: mô hình vai đầu vai, cốc tay cầm, 2 đỉnh 2 đáy,…

Chiến lược giao dịch Price Action hiệu quả

Chiến lược Breakout

Chiến lược Breakout được sử dụng khi giá phá vỡ các vùng kháng cự hoặc hỗ trợ. Các bước để thực hiện chiến lược này như sau:

Bước 1: Quan sát và xác định các vùng hỗ trợ, kháng cự trên biểu đồ giá.

Bước 2: Tìm điểm giá phá vỡ vùng hỗ trợ hoặc kháng cự để vào lệnh:

Nếu giá tăng mạnh ra khỏi vùng kháng cự, nhà đầu tư có thể bắt đầu mua cổ phiếu.

Nếu giá giảm phá vỡ vùng hỗ trợ, nhà đầu tư có thể cân nhắc vào lệnh bán.

Bước 3: Bắt đầu vào lệnh tại mức giá đóng cửa của cây nến bứt phá khỏi vùng hỗ trợ hoặc kháng cự.

Chiến lược Retest

Chiến lược Retest cũng sử dụng các vùng kháng cự và hỗ trợ nhưng ở mức an toàn hơn. Theo đò, nhà đầu tư sẽ đợi giá quay lại Retest vùng phá vỡ. Chiến lược này giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro khi giá chỉ phá vỡ 1 cây nến rồi lại quay lại vùng hỗ trợ kháng cự. Để thực hiện chiến lược, nhà đầu tư thực hiện qua các bước:

Bước 1: Xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ giá.

Bước 2: Chờ giá quay lại Retest sau khi đã phá vỡ các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự rồi mới vào lệnh.

Nếu giá phá vỡ vùng kháng cự, quay lại chạm vùng phá vỡ rồi tiếp tục tăng lên, nhà đầu tư có thể vào lệnh mua.

Nếu giá retest sau khi phá vỡ vùng hỗ trợ và tiếp tục giảm, nhà đầu tư có thể vào lệnh bán.

Bước 3: Nhà đầu tư cần lưu ý đặt điểm cắt lỗ tại đáy gần nhất nếu đặt lệnh mua và tại đỉnh gần nhất nếu đặt lệnh bán.

Chiến lược giao dịch Pullback

Chiến lược Pullback được sử dụng khi giá chạm vào các vùng kháng cự hay hỗ trợ nhưng quay đầu trở lại. Các bước của chiến lược này như sau:

Bước 1: Xác định vùng hỗ trợ, kháng cự trên biểu đồ giá.

Bước 2: Quan sát hành động giá tại vùng hỗ trợ hoặc kháng cự.

Bước 3:

Vào lệnh bán nếu giá chạm vào vùng kháng cự và đảo chiều đi xuống. Để chắc chắn hơn, hình dạng nến cần ngắn dần hoặc các mô hình nến đảo chiều giảm xuất hiện.

Vào lệnh mua nếu giá chạm vùng hỗ trợ và đảo chiều tăng. Khi này cũng cần những cây nến giảm ngắn dần hoặc các mô hình nến đảo chiều tăng để xác nhận.

Chiến lược giao dịch với mô hình giá

Các mô hình giá có thể cho dự báo về xu hướng giá để xác định điểm vào lệnh hợp lý. Chiến lược được thực hiện với các bước sau:

Bước 1: Quan sát biểu đồ giá để xác định mô hình giá

Bước 2: Phân loại mẫu hình giá đó là đảo chiều hay tiếp diễn

Bước 3: Chờ đợi giá Breakout khỏi mô hình và bắt đầu vào lệnh. Những quyết định vào lệnh, cắt lỗ cần linh hoạt theo từng mô hình.

Tìm hiểu về chiến lược đại dương xanh, lợi ích của chiến lược đại dương xanh

Chiến lược đại dương xanh được hiểu là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường mà tại đó ít hoặc không có đối ...

Tìm hiểu về quyền mua cổ phần, nên đầu tư vào quyền mua cổ phần hay chứng quyền?

Quyền mua cổ phần là một loại chứng khoán được phát hành bởi công ty cổ phần, nhằm bổ sung vốn chủ sở hữu cũng ...

Tìm hiểu về chỉ số CCI, ý nghĩa chỉ số CCI trong đầu tư chứng khoán

Chỉ số CCI thường được dùng để theo dõi thị trường, phát hiện kịp thời những thời điểm quá mua hoặc quá bán. Từ đó, ...

Trâm Trâm (t/h)