Những điều cần biết về hợp đồng phái sinh, cách tính giá hợp đồng phái sinh

Cập nhật: 10:43 | 30/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Ngoài các sản phẩm chứng khoán cơ sở, thị trường xuất hiện thêm sản phẩm phái sinh, cụ thể là hợp đồng phái sinh. Hợp đồng phái sinh giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro trong đầu tư chứng khoán.

Hợp đồng phái sinh, các loại hợp đồng phái sinh

Hợp đồng phái sinh là hợp đồng tài chính giữa hai hoặc nhiều bên lập ra nhằm mục đích giao dịch tài sản cơ sở (hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, lãi suất…). Hợp đồng được tạo ra nhằm phòng hộ và phân tán rủi ro, bảo vệ hoặc tạo ra lợi nhuận cho các bên tham gia, đồng thời giúp sinh lời cao hơn.

Có 4 loại hợp đồng phái sinh phổ biến là hợp đồng kỳ hạn (forward contract), hợp đồng hoán đổi (swap contract), hợp đồng quyền chọn (options contract) và hợp đồng tương lai (futures contract).

Hợp đồng kỳ hạn: Hợp đồng kỳ hạn là hợp đồng giữa các bên để mua hoặc bán một tài sản nào đó vào một ngày cụ thể trong tương lai với mức giá đã thỏa thuận từ trước trong hợp đồng. Tài sản được mua bán trong hợp đồng kỳ hạn là bất kỳ loại hàng hóa nào như nông sản, tiền hay chứng khoán…

Những điều cần biết về hợp đồng phái sinh, cách tính giá hợp đồng phái sinh

Hợp đồng tương lai: Hợp đồng tương lai hay hợp đồng giao sau là loại hợp đồng phái sinh giữa bên mua và bên bán để giao dịch tài sản nào đó vào thời điểm xác định trong tương lai. Nghĩa là, ở thời điểm hiện tại các bên sẽ thỏa thuận hợp đồng mua bán tài sản mà thời gian giao dịch và mức giá giao dịch xác định tại thời điểm trong tương lai.

Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Cách tính giá hợp đồng phái sinh

Cách tính giá hợp đồng tương lai dựa trên chênh lệch giá thanh toán cuối ngày với giá bình quân gia quyền theo số lượng của vị thế, tính riêng theo từng mã hợp đồng. Sau khi có chênh lệch thì bù trừ ròng để xác định nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư.

Công thức tính chênh lệch (lãi/lỗ) vị thế cuối ngày là:

VM cuối ngày= (DSPt – VWAP)* Số HĐ* Hệ số nhân

Trong đó:

DSP: Chênh lệch giá thanh toán cuối ngày

VWAP: Giá bình quân gia quyền theo số lượng

Có 4 trường hợp VWAP như sau:

- VWAP= Giá bình quân gia quyền mua: Nhà đầu tư ở vị thế mua

- VWAP= Giá bình quân gia quyền bán: Nhà đầu tư ở vị thế bán

- Số hợp đồng: dấu (+) nếu vị thế mua, dấu (-) nếu vị thế bán.

- VWAP = DSPt-1 nếu không phát sinh giao dịch trong ngày

Ngày chốt hợp đồng phái sinh

Ngày chốt hợp đồng phái sinh hay ngày đáo hạn phái sinh (Expiration date) là ngày hiệu lực cuối cùng của hợp đồng phái sinh. Trước hoặc trong ngày này, nhà đầu tư phải đưa ra quyết định vị thế của mình, đóng vị thế và tính lãi/lỗ hoặc để nguyên hợp đồng vô giá trị đáo hạn. Tại ngày đáo hạn phái sinh, tất cả giao dịch dừng lại và chuyển thành tiền mặt.

Theo quy định, ngày thứ năm thứ 3 của mỗi tháng là ngày đáo hạn phái sinh định kỳ. Tại bất kỳ thời điểm nào luôn có 4 hợp đồng tương lai được giao dịch. Các tháng đáo hạn gồm tháng hiện tại, tháng kế tiếp và tháng cuối cùng của 2 quý gần nhất.

Tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của cổ đông trong công ty cổ phần

Cổ đông là thành viên góp vốn đồng thời sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Vậy cổ đông là gì? ...

Tìm hiểu về cổ phiếu phổ thông, quyền lợi của chủ sở hữu cổ phiếu phổ thông

Cổ phiếu phổ thông là nhóm cổ phiếu thường gặp nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm vững khái niệm và quyền lợi của ...

Tìm hiểu về tổ chức FAO, vai trò của tổ chức FAO

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (tếng Anh: Food and Agriculture Organization of the United Nations - FAO) được thành lập ...

Trâm Trâm (t/h)