NHNN nghiêm cấm nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin sai sự thật về trái phiếu để đạt KPI

Cập nhật: 10:13 | 20/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trả lời cử tri TP HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng giấy phép được cấp; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được duyệt.

Lợi nhuận các nhóm ngành được dự báo ra sao trong quý I/2023?

Góc chuyên gia: Tác động của việc hạ lãi suất đến thị trường chứng khoán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trả lời cử tri TP HCM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ được cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp theo đúng giấy phép được cấp; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được duyệt.

NHNN yêu cầu không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp
NHNN yêu cầu không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp

Đáng chú ý, NHNN yêu cầu không cung cấp thông tin sai sự thật, dễ hiểu lầm về trái phiếu doanh nghiệp; không để xảy ra trường hợp nhân viên hoặc đơn vị kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư để đạt chỉ tiêu kinh doanh.

Tại văn bản này, NHNN cho biết hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng.

Quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua trái phiếu khi tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, để tăng quy mô vốn hoạt động.

Ngân hàng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Ngân hàng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó.

Ngoài ra, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán...

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, ngân hàng thương mại có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Danh mục đầu tư trái phiếu tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng

Thống kê tại gần 20 ngân hàng thương mại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giảm 9% trong năm 2022. Trong đó, hơn một nửa nhà băng giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Techcombank trong một năm qua lượng trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ đã sụt giảm gần 21.800 tỷ đồng, từ 62.000 tỷ đồng (năm 2021) đến cuối năm 2022 lùi về hơn 41.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng giảm mạnh trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tính đến cuối năm 2022 gồm: HDBank (giảm 5.900 tỷ đồng); VietinBank (giảm 5.299 tỷ đồng)…

Ngược lại, tại một số nhà băng danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng. Điển hình, tại MB trong năm 2022 nhà băng này đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thêm 4.500 tỷ so với cuối năm 2021. Tính đến cuối năm 2022, MB đầu tư 46.870 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, trở thành nhà băng đứng đầu (trong số 20 ngân hàng khảo sát) hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.

So với năm 2021, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà VPBank nắm giữ đã tăng hơn 5.000 tỷ đồng, từ 27.700 tỷ lên 32.800 tỷ đồng. Lượng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Trong Báo cáo "Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023", FiinRatings đánh giá danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.

"Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị "nhảy" nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống", báo cáo đề cập.

Đây cũng là một trong những lý do, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản,…

Hồng Giang