e magazine
Nhìn lại bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Bước ngoặt từ cuộc đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm

14:49 | 03/10/2023

“Phù phép” báo cáo tài chính để “hút” về số tiền “khổng lồ” 14.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, trả mức giá “không tưởng” cho lô đất ở Thủ Thiêm… là tiền đề cho cú trượt chân của Tân Hoàng Minh ập đến vào năm 2022.
Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”
Ông Đỗ Anh Dũng và các bị can tại Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ đứng tên 3 công ty con, huy động hơn 10.000 tỷ đồng của nhà đầu tư trái pháp luật

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

“Phù phép” báo cáo tài chính để “hút” về số tiền “khổng lồ” 14.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, trả mức giá “không tưởng” cho lô đất ở Thủ Thiêm… Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ khi nhắc tới bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Cho đến khi bê bối này khép lại, Tập đoàn này một lần nữa khiến dư luận phải ngỡ ngàng khi đã nộp lại hơn 8.600 tỷ đồng – số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt từ các nhà đầu tư.

Ngày 30/9 vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh), khép lại phần nào bê bối trái phiếu của Tập đoàn này.

C03 xác định, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 6 đồng phạm đã thông qua một số công ty con phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư. Theo đó, 7 bị can này bị đề nghị truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cùng bị đề nghị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với ông Đỗ Anh Dũng còn có con trai thứ Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và các một loạt các nhân sự cấp cao của Tân Hoàng Minh và các công ty con, bao gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), Nguyễn Khoa Đức (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Cung Điện Mùa Đông), Lê Văn Thịnh (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và Phùng Thế Tính (cựu Giám đốc Tài chính kế toán của Tân Hoàng Minh)...

Đáng chú ý, các bị can, gia đình bị can, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức liên quan đã phối hợp, tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.

Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ trong chưa đầy 18 tháng kể từ khi bị khởi tố, Tân Hoàng Minh đã thu xếp xong tài chính để hoàn trả tiền cho khách hàng mua trái phiếu, một lần nữa cho thấy khả năng “xoay xở” nguồn tiền “không phải dạng vừa”.

Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành kê biên, phong tỏa giao dịch đối với 8 tài sản nhà, đất, tài khoản chứng khoán, số dư tiền trên tài khoản của các bị can, người liên quan trong vụ án.

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

Tân Hoàng Minh đã “hút” gần 14.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu như thế nào?

Theo bản kết luận điều tra của C03, đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chưa thể triển khai các dự án mới, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, dự nợ tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều khoản nợ đến hạn, quá hạn không thể thanh toán không còn tài sản để trả nợ hoặc tiếp tục vay vốn. Đến tháng 6/2021, dư nợ tín dụng của Tập đoàn này đã lên tới hơn 18.500 tỷ đồng.

Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn, bị can Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo con trai thứ là Đỗ Hoàng Việt cũng là Phó tổng giám đốc tài chính của Tân Hoàng Minh, nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho công ty. Về cơ bản, chiêu thức của cha con ông Dũng là sử dụng các pháp nhân công ty con, “làm đẹp” hồ sơ để phát hành trái phiếu, sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, lấy uy tín của Tân Hoàng Minh để tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư thứ cấp.

Cụ thể, ba pháp nhân là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông đã được nguỵ tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng “khống” (hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc… ) giữa nội bộ các công ty trong Tập đoàn để làm phương án phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ. Hoạt động này do Tân Hoàng Minh thông đồng với Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán Nam Việt (chi nhánh phía Bắc) và Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội) thực hiện.

Sau khi được “làm đẹp” hồ sơ, 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành tổng cộng 9 lô trái phiếu riêng lẻ với trị giá lên đến 10.030 tỷ đồng. Trong đó, Ngôi Sao Việt phát hành 2 gói trái phiếu riêng lẻ trị giá 2.700 tỷ đồng, Soleil phát hành 3 gói trái phiếu trị giá 1.750 tỷ đồng và Cung Điện Mùa Đông phát hành 4 gói trái phiếu trị giá 5.580 tỷ đồng.

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

Sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho “tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu”. Bằng cách này, dòng tiền “chạy” từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển tiếp cho các cá nhân.

Tổng cộng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng từ các trái chủ. Con số này chênh lệch so với giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng và được cơ quan điều tra giải thích là do Tân Hoàng Minh đã “chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc rồi mua đi bán lại nhiều lần”.

Nên biết, ngày 4/4/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố hủy bỏ 9 lô trái phiếu “khủng” của Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

Số tiền 14.000 tỷ đồng được sử dụng ra sao?

Cơ quan điều tra xác định, với 14.000 tỷ đồng huy động được, ông Đỗ Anh Dũng đã sử dụng 5.165 tỷ đồng để “quay vòng”, chi trả cho nhà đầu tư đến hạn trước. Số còn lại được dùng để trả nợ đến hạn, quá hạn cho ngân hàng và để đầu tư.

Cụ thể, theo lời khai của ông Đỗ Anh Dũng, Tân Hoàng Minh đã chi 1.976 tỷ đồng để thanh toán nợ đến hạn, quá hạn cho hai ngân hàng SHB và Agribank. Tập đoàn này cũng dành ra 3.835 tỷ đồng để mua cổ phần và hợp tác đầu tư dự án, bao gồm: 1.475 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty Thiên Bảo Phú Quốc, 1.050 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Bình Minh; 370 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Nam Anh Tú, 320 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Sao Đỏ Đà Nẵng; 620 tỷ đồng mua dự án tại Yên Phụ.

Đáng chú ý, năm 2022, Tân Hoàng Minh đã sử dụng 585 tỷ đồng từ huy động trái phiếu để đặt cọc khi tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh).

Còn nhớ, ngày 10/12/2021, công ty con của Tân Hoàng Minh là Ngôi Sao Việt đã khiến thị trường bất động sản được một phen chấn động khi trả giá 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá chào cho lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm, tương đương 2,43 tỷ đồng/m2.

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

Tuy nhiên, sau đó không lâu, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bất ngờ có tâm thư xin bỏ cọc lô đất vàng này, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Lý do được đưa ra trong tâm thư là “vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước” nên đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để vượt qua người trả giá thứ hai là một công ty nước ngoài nhưng sau đó “nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng”.

Ngoài các khoản tiền nói trên, ông Đỗ Anh Dũng cho biết còn sử dụng tiền để đầu tư chứng khoán và thua lỗ 153 tỷ đồng, chuyển tiền từ thiện 62,8 tỷ đồng, số còn lại để chi trả nợ, tiêu dùng cá nhân.

Toàn cảnh bê bối trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Khả năng huy động vốn “không tưởng”

Những dự án và khoản nợ nào của Tân Hoàng Minh đã được rao bán?

Trở lại với câu chuyện xoay xở nguồn tiền để khắc phục hậu quả của Tân Hoàng Minh, ngày 13/4/2022, chỉ ít ngày sau khi loạt nhân sự cấp cao của Tập đoàn này bị khởi tố và bắt tạm giam, ông Đỗ Hoàng Minh, con cả của ông Đỗ Anh Dũng - người điều hành tập đoàn thay cha đã khẳng định trước khách hàng: “Bằng tiềm năng của Tân Hoàng Minh, với lượng dự án hiện tại, chúng tôi cam kết sẽ làm được. Tập đoàn đang đi rao bán các dự án, mục đích chỉ muốn trả tiền cho nhà đầu tư, khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất”.

Đến tháng 6/2022, Tân Hoàng Minh thông báo đã nộp tổng cộng 2.100 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước. Thời điểm đó, ông Vũ Đình Luyện, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, khó khăn nhất với Tân Hoàng Minh là không có sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn để cùng giải quyết công việc hiện tại. Hiện, Tập đoàn có 5 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng về pháp lý gồm: 2 dự án ở Phú Quốc, dự án Nguyễn Thị Minh Khai, dự án Việt Tiến, dự án Ngọc Hồi.

Một tháng sau đó, tháng 7/2022, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết đã tìm được đối tác nhận chuyển nhượng dự án cao ốc văn phòng tại số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM), hay còn có tên là D’. Saint Raffles do Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư. Về dự án này, tại lễ cất nóc do Delta Group đã tổ chức, logo Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam (LPBank, HOSE: LPB) đã xuất hiện backdrop đặt trên nóc toà nhà.

Tháng 8/2023, Agribank đã rao bán loạt khoản nợ có giá trị gần 500 tỷ đồng của 7 công ty liên quan tới Tân Hoàng Minh, trong đó có khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản thuộc dự án Khu du lịch Thiên Bảo Phú Quốc và Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải (Phú Quốc).

Mới đây, ngày 26/9/2023, như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, Agribank tiếp tục ra thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá 4 khoản nợ của các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh với tổng dư nợ hơn 307 tỷ đồng, bao gồm: khoản nợ của Ngọc Viễn Đông với giá trị ghi sổ khoản nợ là 81,7 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/8/2023); khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bắc Hà với giá trị ghi sổ khoản nợ là 55,4 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/8/2023); khoản nợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Thanh với giá trị ghi sổ khoản nợ là 76,2 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/8/2023) và khoản nợ của Công ty TNHH đầu tư bất động sản THM Thịnh Vượng với giá trị ghi sổ khoản nợ là 94,3 tỷ đồng (tạm tính đến ngày 31/8/2023).