Ngân hàng

Nhiều giao dịch của một ngân hàng được Thanh tra NHNN chuyển sang cơ quan chức năng điều tra làm rõ

Thu Hà 10/07/2025 10:30

Nhiều giao dịch cổ phần của nhóm cổ đông sở hữu trên 0,1% vốn tại ngân hàng này được chuyển sang cơ quan chức năng để làm rõ theo kết luận thanh tra.

PGBank tồn tại nhiều hạn chế về quản trị và kiểm soát nội bộ

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã công bố Thông báo kết luận thanh tra đối với Ngân hàng Thương mại CP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank). Theo kết luận thanh tra số 1446/TB-TTNH8, bên cạnh một số kết quả đạt được, PGBank vẫn tồn tại nhiều hạn chế nghiêm trọng trong quản trị và kiểm soát nội bộ.

Với những sai phạm được chỉ ra, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với PGBank với tổng số tiền 370 triệu đồng
Với những sai phạm được chỉ ra, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với PGBank với tổng số tiền 370 triệu đồng

Một số quy định nội bộ quan trọng chưa được ban hành hoặc ban hành chậm; công tác giám sát rủi ro, đặc biệt với các khoản nợ xấu, còn thiếu hiệu quả. Việc xác định nguyên nhân phát sinh nợ xấu và phân định trách nhiệm cá nhân liên quan chưa đầy đủ. Kiểm toán nội bộ bị đánh giá yếu với nhân sự không đáp ứng khối lượng công việc; trong khi kiểm tra CNTT và các khâu nghiệp vụ then chốt vẫn còn hạn chế.

Thanh tra cũng phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng, từ thẩm định điều kiện vay, kiểm tra tài sản bảo đảm đến phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Một số khoản vay được cấp cho khách hàng có tình hình tài chính thiếu minh bạch, sử dụng tài sản đảm bảo rủi ro như khoản phải thu hoặc quyền đòi nợ. Đặc biệt, một số khách hàng dù bị cảnh báo về tiến độ dự án hoặc năng lực trả nợ vẫn tiếp tục được cấp tín dụng.

Về cổ phần, thanh tra không phát hiện cổ đông cá nhân nào vi phạm giới hạn sở hữu theo Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để làm rõ giao dịch của 15 cổ đông sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ trong kỳ thanh tra, cơ quan thanh tra đã phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan.

Công tác xử lý nợ xấu cũng bị đánh giá chưa đạt yêu cầu. PGBank chưa hoàn thành 100% kế hoạch thu hồi nợ đã xử lý rủi ro trong năm 2023. Một số khoản vay được cơ cấu nhưng không đủ điều kiện pháp lý; việc đánh giá lại tình hình tài chính và tài sản đảm bảo của khách hàng còn chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.

Nguyên nhân chính của các tồn tại nêu trên được xác định là xuất phát từ chính nội bộ hệ thống quản trị, điều hành và kiểm soát của PGBank. Dù Hội đồng quản trị và Ban điều hành đã có nỗ lực nhất định trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc tuân thủ quy định pháp luật và quy trình nội bộ vẫn chưa nghiêm túc. Ngoài ra, một số khách hàng cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ vay vốn, góp phần làm tăng rủi ro.

Trên cơ sở những vi phạm được phát hiện, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính PGBank tổng số tiền 370 triệu đồng. Ba hành vi bị xử phạt gồm:

• Không ban hành đầy đủ quy định nội bộ theo quy định pháp luật;

• Lập hợp đồng ủy thác thiếu nội dung bắt buộc;

• Không thành lập Hội đồng mua bán nợ đúng quy định.

Bên cạnh xử phạt, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển một số thông tin liên quan đến việc mua bán cổ phần của các cổ đông sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ sang cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra theo quy định.

Cuối cùng, cơ quan thanh tra kiến nghị PGBank rà soát và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại được nêu; xây dựng kế hoạch hành động khắc phục vi phạm trong thời hạn quy định. Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc có trách nhiệm chỉ đạo sát sao việc triển khai, nhằm đảm bảo an toàn vốn và duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.

Làm rõ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông sở hữu trên 0,1%

Được biết, hiện dư luận đang đặc biệt quan tâm đến các giao dịch mua bán cổ phần của 15 cổ đông sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ tại PGBank, khi toàn bộ dữ liệu liên quan đã được chuyển sang cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ.

Trước đó, nhiều cổ đông chiến lược của PGBank đồng loạt báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu do bị pha loãng sau đợt chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong số đó, ngày 14/4/2025, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã gửi báo cáo đến cơ quan quản lý về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu tại PGBank. Theo báo cáo, dù không thực hiện bán ra cổ phiếu nào, Cường Phát vẫn bị giảm tỷ lệ sở hữu từ 13,54% xuống còn 11,375%. Nguyên nhân là do PGBank phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu, trong khi Cường Phát không tham gia mua thêm. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ nắm giữ bị pha loãng, dù số lượng cổ phiếu thực tế vẫn giữ nguyên ở mức 56,87 triệu đơn vị.

Tương tự, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ sở hữu tại PGBank sau đợt chào bán thêm. Theo báo cáo công bố cùng ngày, doanh nghiệp này vẫn nắm giữ hơn 56,1 triệu cổ phiếu nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 13,36% xuống còn 11,22%. Việc sụt giảm không đến từ hoạt động giao dịch bán ra, mà xuất phát từ việc không mua thêm cổ phiếu mới trong quá trình tăng vốn, dẫn đến tỷ lệ bị giảm do pha loãng.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh, doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên số lượng cổ phiếu nắm giữ là hơn 55 triệu đơn vị, song tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 13,10% xuống còn 11%. Nguyên nhân một lần nữa là do không thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.

Về dữ liệu các giao dịch cổ phần của nhóm cổ đông sở hữu từ 0,1% vốn điều lệ trở lên, phần lớn các cá nhân này không thuộc diện cổ đông lớn nên không bắt buộc phải công bố thông tin ra công chúng. Tuy nhiên, trong nhóm cổ đông nội bộ, đáng chú ý là giao dịch của ông Đinh Thành Nghiệp, Thành viên Hội đồng quản trị PGBank.

Cụ thể, theo báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 10/4/2025, ông Nghiệp đã mua thành công 820.368 cổ phiếu PGB, tương đương 0,17% vốn điều lệ, với tổng giá trị giao dịch đạt 8,2 tỷ đồng (theo mệnh giá). Sau giao dịch, tổng số cổ phần ông nắm giữ tăng lên 5.127.300 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,03%.

Như vậy, hầu hết các giao dịch của các cổ đông sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ tại PGBank mà Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã đề cập đến vẫn đang là những ẩn số. Chúng tôi sẽ nhanh chóng cập nhật khi có kết quả điều tra từ cơ quan chức năng để làm rõ.

Mối liên hệ với TC Group

Được biết, trên website của PGBank đang giới thiệu Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức là những cổ đông chiến lược sở hữu trên 10% vốn cổ phần. Dù không trực tiếp mang thương hiệu TC Group, tuy nhiên cả ba doanh nghiệp này đều quan hệ "đặc biệt" đến Tập đoàn Thành Công.

Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát có Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh. Doanh nhân sinh năm 1981 này từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.

Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Thành Công Group, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (sở hữu 60% vốn), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (sở hữu 25% vốn) và Công ty TNHH TCG Land (sở hữu 15% vốn).

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.

Hạ tuần tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên tới 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4/2023, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên tới 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4/2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn đôi chút với số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank của Petrolimex.

Được biết, tại Đại hội cổ đông bất thường vào cuối tháng 10/2023 của PGBank đã đánh dấu cột mốc quan trọng cho “kỷ nguyên Thành Công” tại nhà băng này. Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc đổi tên thương mại và chuyển trụ sở chính sang tòa nhà HEAC – dự án do chính Thành Công làm chủ đầu tư tại phố Hàm Long, Hà Nội. Không chỉ là thay đổi địa điểm, việc chuyển “trung tâm đầu não” sang tòa nhà thuộc sở hữu nhóm cổ đông mới cho thấy cách mà TC Group đang xác lập dấu ấn cả về biểu tượng lẫn vận hành thực tiễn.

Một chi tiết đáng chú ý trong đại hội là sự xuất hiện của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch TC Group người ngồi bàn đầu cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước nhưng không phát biểu, cũng không giới thiệu. Hành động duy nhất của ông trong buổi lễ là bắt tay tri ân và chúc mừng các lãnh đạo cũ.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, PGBank đã lựa chọn địa điểm tổ chức là The Five Villas & Resort Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khu nghỉ dưỡng này là một sản phẩm thuộc thương hiệu The Five Hospitality của Tập đoàn Thành Công.

Năm nay sự kiện được tổ chức tại một địa điểm gắn với Tập đoàn Thành Công cho thấy dấu ấn và sự hiện diện ngày càng rõ nét của tập đoàn này trong hoạt động của ngân hàng.

Tham vọng tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất ngành ngân hàng và con số "biết nói"

Được biết, Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group) là tên tuổi không xa lạ trong ngành ô tô. Trên website của doanh nghiệp đa ngành này nêu rõ: Công nghiệp ô tô, bất động sản và dịch vụ là 3 trụ cột của Tập đoàn.

Trở lại với hoạt động kinh doanh của PGBank, trong số 45.348,5 tỷ đồng cho vay khách hàng của PGBank tại thời điểm cuối quý 1/2025 (tăng gần 10% so với đầu năm), hiện có: 7.921,5 tỷ đồng đang cho vay trong ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô và xe máy, tăng gấp đôi so với đầu năm và cũng là một trong những nhóm ngành chiếm tỷ trọng cho vay lớn nhất tại PGBank.

pgbank1.png
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1/2025 của PGBank

Trước đó, con số này chỉ ở mức 1.700 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2022 và đã tăng lên mức 3.905 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, PGBank cũng đang cho vay khách hàng trong ngành xây dựng lên tới 6.032 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 4.610 tỷ đồng hồi đầu năm. Cho vay trong hoạt động kinh doanh bất động sản cũng tăng lên mức 4.745 tỷ đồng.

Có thể thấy rõ, hầu hết các mảng PGBank cho vay mạnh đều đang "vô tình" trùng khớp với các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Thành Công.

Trên phương diện tài chính, nhiều dấu hiệu cho thấy PGBank đang tăng tốc để bắt nhịp với định hướng mới. Năm 2024, ngân hàng báo lãi trước thuế 421 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước – dù vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, HĐQT mới vẫn đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.001,1 tỷ đồng cho năm 2025, tăng đến 135,3% so với năm 2024 – mức cao nhất trong toàn ngành ngân hàng năm nay, vượt xa nhiều nhà băng khác như OCB, VIB, ACB hay NamABank.

Nhiều người đánh giá, đây không chỉ là “nhiệm vụ tài chính” mà còn là “tuyên ngôn chiến lược” của nhóm cổ đông mới, nhằm khẳng định vai trò kiểm soát và tham vọng định hình lại PGBank.

Tuy nhiên, dù đặt mục tiêu đầy tham vọng, kết quả kinh doanh trong quý đầu năm của PGBank lại không mấy khả quan, ngân hàng này ghi nhận lợi nhận sau thuế chỉ đạt 76,6 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nhiều giao dịch của một ngân hàng được Thanh tra NHNN chuyển sang cơ quan chức năng điều tra làm rõ
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO