Nhiều giải pháp gia tăng năng lực giúp Vietnam Airlines (HVN) vượt “bão” COVID-19

Cập nhật: 13:23 | 31/07/2021 Theo dõi KTCK trên

Ngành hàng không có vai trò đặc biêt quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hứng chịu nhiều thiệt hại to lớn, trong đó các hãng hàng không đang gắng sức chống chọi trước tác động tiêu cực của đại dịch chưa từng có này.

Chủ động ứng phó nhằm đạt mục tiêu doanh thu

Đối diện với làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP - Vietnam Airlines (HOSE - Mã: HVN) đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đa dạng hoá nguồn thu, góp phần thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương bán 6 tàu bay ATR-72 cũ để thay thế bằng các tàu bay phản lực nhằm tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên. Đây cũng là biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện các tàu bay ATR72 đang được sắp xếp khai thác trên các đường bay đến các sân bay hạn chế, không tiếp cận được dòng tàu bay từ A320 trở lên, bao gồm: VCS (Côn Đảo), VKG (Kiên Giang), CAH (Cà Mau), DIN (Điện Biên) với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ATR72 là loại tàu bay cánh quạt, tốc độ chậm và ồn hơn tàu bay phản lực nên không đảm bảo cạnh tranh cả về tải cung ứng, dịch vụ cũng như tối ưu đội bay so với tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet – RJ).

2156-vietnam-airlines
Vietnam Airlines áp dụng nhiều giải pháp nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Ảnh minh họa

Trong khi đó, cuối năm 2020, Bamboo Airways đã đưa đội tàu bay RJ vào khai thác các đường bay đi Côn Đảo, Rạch Giá với lợi thế đặc biệt khai thác trực tiếp từ khu vực phía Bắc đi Côn Đảo. "Việc này đã làm sụt giảm hiệu quả khai thác và hiệu quả tài chính của đội bay ATR72 của Vietnam Airlines", vị đại diện hãng này cho biết thêm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines luôn biến động trước tình hình diễn biến dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch gần nhất (29 và 30/7), cổ phiếu HVN bất ngờ tăng trần kèm thanh khoản lớn. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30/7, cổ phiếu HVN tăng 6,97% lên mức 21.500 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đạt 412.300 đơn vị.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines bật tăng giữa bối cảnh, ngày 29/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền để Công ty chốt danh sách cổ đông cho đợt phát hành 800 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Theo đó, nhà đầu tư bán HVN trong ngày 29/7 vẫn sẽ có quyền mua. Trong khi người mua cổ phiếu HVN trong ngày 29/7 sẽ không có quyền mua trong đợt phát hành sắp tới, nhưng giá cổ phiếu ngày 29/7 đã được điều chỉnh giảm so với trước. Cụ thể, giá kết phiên trước đó (28/7) của HVN là 23.800 đồng/cp nhưng giá tham chiếu sáng 29/7 chỉ còn 18.850 đồng/cp.

Cùng với đó, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra định hướng của Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay địa phương bao gồm Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau, Điện Biên lên cấp 4C tiếp nhận được tàu bay A320/A321 và tương đương. Như vậy, lợi thế khai thác của tàu ATR72 đến các sân bay địa phương trước đây sẽ bị mất dần đi.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Vietnam Airlines sớm tính đến việc đưa loại tàu bay tương đồng như tàu bay RJ vào khai thác thay thế tàu bay ATR72 để cạnh tranh với đối thủ, đảm bảo năng lực cạnh tranh tại các sân bay địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác khi phối hợp khai thác các đường bay có dung lượng thị trường nhỏ, mới, từ đó đảm bảo đạt mức thị phần mục tiêu.

Theo Vietnam Airlines, việc đưa tàu bay RJ vào khai thác thay thế tàu bay ATR72 sẽ được triển khai theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch bán tàu bay ATR72.

Giai đoạn đầu, Vietnam Airlines dự kiến sẽ thuê ngắn hạn tàu bay phản lực khu vực theo các hình thức thuê có tổ bay (thuê ướt) hoặc không có tổ bay (thuê khô) để khai thác thử nghiệm, đo lường mức độ phản ứng của thị trường và đánh giá thực tế hiệu quả tài chính của đội bay mới này. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng phương án khai thác dài hạn loại tàu bay RJ phù hợp thay thế tàu bay ATR72 trong tương lai.

Năm 2021 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức với ngành hàng không song những điểm sáng về tiêm chủng vaccine và hộ chiếu sức khỏe điện tử đang mang đến cơ hội "mở cửa bầu trời".

Với những biện pháp đa dạng hoá nguồn thu, Vietnam Airlines sẵn sàng chủ động ứng phó khó khăn nhằm đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020 mà hãng đã đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Tăng năng lực vận chuyển hàng hóa

Bên cạnh những giải pháp đi sâu vào thị trường ngách, Vietnam Airlines đã và đang tập trung đẩy mạnh lĩnh vực vận tải hàng hoá. Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà cho hay, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350/A321 để chở hàng trên khoang hành khách, giúp tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã tháo ghế 5 tàu bay chuyên chở hành khách bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321 để vận chuyển hàng hóa. VietnamAirlines cũng đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh, những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng trong khi giai đoạn trước dịch chỉ chiếm 9%. Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có đề án thành lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt. Tuy nhiên, việc thành lập hãng này trong thời điểm dịch bệnh đang được cân nhắc.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà lý giải: "Việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn từ đội tàu bay, mạng bay để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Về phía Vietnam Airlines cũng đã tổ chức bay hàng hoá vài năm trước nhưng chưa đem lại hiệu quả".

"Đến thời điểm dịch bệnh hai năm 2020-2021, hãng mới tăng cường sử dụng máy bay chở hàng. Hãng coi đây là bước tập dượt quan trọng cho khối hàng hóa của Tổng công ty và hãng để hoàn thiện đề án thành lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt ngay sau dịch bệnh", Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nói.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 11,4%/năm trong giai đoạn 2010-2019. Dự báo có thể đạt tăng trưởng trung bình 12%/năm trong giai đoạn 2020-2030.

Dù việc thành lập hãng hàng không chở hàng hoá là câu chuyện của thời gian tới, song với lợi thế trong ngành hàng không về đường bay, mạng bay và số lượng máy bay chở hàng, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu sụt giảm từ hành khách, đồng thời thực hiện đảm bảo kết nối giao thương.

Hiện Vietnam Airlines đồng thời sở hữu nhiều công ty "ăn nên làm ra" trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hoá, logistics, kho bãi, vận tải… tại các sân bay lớn trên cả nước như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất…

Những giải pháp cấp bách giúp ngành hàng không vượt bão

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chống chọi qua cơn bão đại dịch COVID-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đã có kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm, Tổng thư ký VABA, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Dự báo, doanh thu các hãng hàng không từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục giảm.

VABA cũng đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất thuộc nhóm đối tượng này; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết ngày 31/12/2021...

Ông Bùi Doãn Nề cho hay: “Điều quan trọng nhất vẫn là các hãng cần được vay hỗ trợ lãi suất thấp, tiếp đến là miễn, giảm thuế, phí”.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, 29 khoản phí và lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu một khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhiều lĩnh vực có mức giảm cao, như giảm 50% mức thu 20 - 22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không... Cụ thể, thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 với số giảm thu từ phí, lệ phí trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam (một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội) làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...).

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tuệ An