Nhiều doanh nghiệp tôn thép điều chỉnh giá ngay sau thông tin áp thuế chống bán phá giá tạm thời
Thị trường thép Việt Nam đã trải qua nhiều đợt tăng giá kể từ đầu tháng 3 đến nay, phản ánh những thay đổi từ cung – cầu và chính sách thương mại.
Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường thép trong nước liên tục ghi nhận những chuyển động đáng chú ý, trong bối cảnh chính sách thương mại toàn cầu đang thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Đáng chú ý, nhiều quốc gia như Mỹ, EU và Ấn Độ đang tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá, đồng thời áp dụng các biện pháp thuế quan nhằm bảo vệ sản xuất nội địa.
.png)
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương mới đây đã công bố áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc có thể lên tới hơn 37%, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế tối đa khoảng 16%. Biện pháp này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ thời điểm công bố và duy trì trong vòng 120 ngày.
Động thái trên được xem là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất thép mạ trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn như Hòa Phát hay Formosa. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng đang bắt đầu có những phản ứng về giá khi một số doanh nghiệp lớn trong ngành điều chỉnh tăng giá bán. Hoa Sen là cái tên đầu tiên công bố sẽ tăng giá tôn mạ, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm thêm 100 đồng/kg từ ngày 6/4 trên toàn quốc, với lý do nhằm “phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Tiếp nối, Tập đoàn VAS cũng thông báo điều chỉnh giá thép thanh CB400 | CB500 thêm 100 đồng/kg từ ngày 2/4 tại khu vực miền Bắc. Tôn Việt Pháp cũng không đứng ngoài xu hướng này khi cho biết hai dòng sản phẩm VIFA và V-STANDARD sẽ tăng lần lượt 200 đồng/kg và 300 đồng/kg từ ngày 8/4 trên phạm vi toàn quốc.
Trên bình diện quốc tế, vào rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới, áp dụng trên quy mô toàn cầu. Theo thông báo từ Nhà Trắng, mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ mọi quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 tới.
Đáng nói, một số quốc gia sẽ phải chịu mức thuế cao hơn đáng kể. Trong đó, Trung Quốc sẽ đối mặt với mức thuế tổng cộng 54%, bao gồm cả 20% đã được công bố trước đó. Liên minh châu Âu sẽ chịu mức thuế 20%, trong khi Việt Nam bị áp thuế lên tới 46% và Đài Loan là 32%. Đây là những mức thuế cao, có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia liên quan.
Dù vậy, theo thông báo mới từ Nhà Trắng, Mỹ loại trừ các mặt hàng thép, nhôm, đồng, vàng ra khỏi thuế đối ứng. Trước đó, thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại thì sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Như vậy, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232.
Thép và nhôm là nguyên liệu thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất ô tô đến máy rửa bát. Quyết định này cho thấy chính quyền Mỹ đã dành một số ngoại lệ nhất định cho thị trường kim loại – lĩnh vực mà ông Trump từ lâu đã ưu tiên trong các cuộc chiến thương mại của mình.