Nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư ngoại

12/05/2016 14:02

Để cải cách mạnh mẽ hơn, tân Thống đốc Lê Minh Hưng đề cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam. Vị tư lệnh ngành cũng tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ có nhiều “cơ hội lớn” hơn nữa.…



Thông điệp mạnh mẽ trên vừa được ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các Ngân hàng châu Á lần thứ 17 (The Asian Banker Summit 2016) diễn ra ngày 11/5 tại Hà Nội.

Thay đổi để hội nhập quốc tế

Chia sẻ về chặng đường 5 năm cải cách, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh những đóng góp đáng ghi nhận của ngành ngân hàng vào các mục tiêu lớn như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng…

Đây là những nền tảng vững chắc để tiếp tục cải cách ở các giai đoạn sau, trong đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và ngân hàng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN, củng cố và tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hoạt động ngân hàng.

Hệ thống các TCTD được tái cơ cấu mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, xử lý nợ xấu hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng các yêu cầu Thông lệ, chuẩn mực quốc tế Basel II…

“Chúng tôi xác định cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai”- Thống đốc Lê Minh Hưng nói. Trước hội nghị quy tụ nhiều tổ chức tài chính, giới chức ngân hàng quốc tế, Thống đốc Hưng đưa ra cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Vị tư lệnh ngành cũng cam kết “đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường của chúng tôi”.

Với quyết tâm cải cách hệ thống, Thống đốc Lê Minh Hưng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng Việt Nam vì đây sẽ “có nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả chúng ta”.

Những cam kết và mong muốn của tân Thống đốc Lê Minh Hưng trên diễn đàn quốc tế được giới quan sát nhận định như một tín hiệu về khả năng sớm mở “room” cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng.



Cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan


Mở “room” khối ngoại tối đa?

Còn nhớ, giữa năm 2012, người tiền nhiệm – Thống đốc Nguyễn Văn Bình – từng đưa ra thông điệp: đề án tái cấu trúc các ngân hàng thương mại đã đề cập tới việc cho phép các tổ chức nước ngoài mua cổ phần TCTD trong nước. Song, Thống đốc bày tỏ lo ngại nếu việc bán cổ phần cho đối tác ngoại làm không khéo thì quyền lợi quốc gia không được đảm bảo vì đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá cổ phiếu thấp, đối mặt nguy cơ ngân hàng nội bị “thâu tóm” dễ dàng…

Do đó, bỏ ngỏ khả năng mở “room” cho khối ngoại đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng nhưng, như Thống đốc Bình từng nói “cần phải có bước đi vững chắc và đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp trong nước”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng xác định, đến khi hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các TCTD Việt Nam có thể mua được cổ phần các ngân hàng khác với giá chấp nhận được thì mới xem xét bán cổ phần cho khối ngoại để có giá bán hợp lý.

Gần 4 năm trôi qua, hệ thống ngân hàng hiện đã vượt qua giai đoạn tái cơ cấu đầy gian nan, thử thách, có sự đánh đổi, và cũng có vài ngân hàng bị xoá sổ… Tuy nhiên, việc mở “room” cho NĐT ngoại tham gia vào các ngân hàng Việt Nam vẫn đặt trong vòng xem xét rất thận trọng. Ở giai đoạn này, khi các ngân hàng hồi phục tăng trưởng, một số ngân hàng lớn đã hoặc đang trên trường thực hiện sáp nhập lại kiến nghị cho phép mở “room” khối ngoại.

Như trường hợp VietinBank đang tiến hành sáp nhập PGBank, tiến trình sáp nhập bị chậm tiến độ do liên quan đến sở hữu nhà nước tại hai nhà băng, trong đó VietinBank được bán tối đa 35% vốn nhà nước để sở hữu nhà nước giảm dưới mức 65%.

Với mức trần sở hữu nhà nước này, Vietinbank đang xin cơ quan có thẩm quyền để tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lên 40%, vượt mức “trần” 30% theo quy định.

Tương tự, Vietcombank cũng muốn tăng giới hạn sở hữu của NĐT ngoại lên tối đa 35% và thực hiện qua phát hành thêm 10% cổ phần tăng vốn. Mục đích là tăng năng lực tài chính, thu hút NĐT có tiềm lực, hỗ trợ ngân hàng phát triển tốt hơn.

Một số nhà băng yếu kém như GPBank cũng chủ động tiếp xúc các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài, hoặc tổ chức do NHNN giới thiệu để chào bán cổ phần. Nhưng các cuộc thương thảo không đi đến đích, kết cục là GPBank bị tái cơ cấu bắt buộc là NHNN đứng ra mua lại giá 0 đồng để trực tiếp xử lý.

Sau đó, NHNN chỉ định các ngân hàng gốc quốc doanh như Vietinbank, Vietcombank… tham gia hỗ trợ điều hành, chống đỡ thanh khoản, đảm bảo an toàn ở ba “ngân hàng 0 đồng”.

Hướng xử lý các ngân hàng yếu kém có thể là chọn sáp nhập vào các ngân hàng lớn, hay bán cổ phần cho nước ngoài như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ. Lựa chọn theo cách nào đều là cơ hội lớn với các NĐT nước ngoài, và trong nhiệm kỳ của Thống đốc Lê Minh Hưng, sẽ cần làm cho các ngân hàng khoẻ mạnh và hoạt động an toàn hơn để có thể sáp nhập hoặc “gả bán” cao giá hơn cho nước ngoài.


Theo Thời báo Kinh doanh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư ngoại
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO