Nhiệt điện Phả Lại (PPC) muốn chia cổ tức tỷ lệ cao nhất kể từ khi lên sàn

Cập nhật: 09:47 | 06/04/2021 Theo dõi KTCK trên

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) mới đây đã bổ sung tờ trình lên Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 về việc phân phối lợi nhuận năm 2020 và dự kiến cổ tức năm 2021.

MWG sẽ ưu tiên cải thiện lợi nhuận Bách Hóa Xanh trong năm 2021

VNDirect chốt quyền trả cổ tức tiền mặt 5%

4505-phy-lyi-1
Nhiệt điện Phả Lại (PPC) muốn chia cổ tức tỷ lệ cao nhất kể từ khi lên sàn. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, năm 2020, Hội đồng quản trị PPC dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 58,94%, tương đương với số tiền phải chi gần 1.890 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp đã chi tạm ứng gần 481 tỷ đồng để trả cổ tức với tỷ lệ 15%.

Đây cũng là mức chia cổ tức cao nhất mà doanh nghiệp thực hiện kể từ khi lên sàn năm 2007, 5 năm gần đây công ty duy trì mức cổ tức tỷ lệ 20% - 30%.

Tại ngày cuối năm 2020, Tổng Công ty Phát điện 2 - Công ty TNHH MTV (GENCO2) và CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE) sở hữu lần lượt 51,9% và 24,1% vốn điều lệ tại PPC. Ước tính, hai cổ đông này sẽ nhận lần lượt 731 tỷ đồng và 340 tỷ đồng từ cổ tức PPC còn phải chia cho năm 2020.

Sang năm 2021, PPC đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.660 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 307,9 tỷ đồng, là kế hoạch thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với kế hoạch này, công ty dự kiến chỉ chia cổ tức với tỷ lệ 15% cho năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, giữa thông tin được chia cổ tức với tỷ lệ cao, giá cổ phiếu PPC bật tăng trong ba phiên gần đây kèm thanh khoản đột biến. Chốt phiên ngày 5/4, cổ phiếu PPC dừng ở mức 27.500 đồng/cp, tăng 12% kể từ đầu tháng 4.

4232-ppc
Diễn biến giá cổ phiếu PPC.

Trong một báo cáo phát hành giữa tháng 2 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhóm doanh nghiệp nhiệt điện được dự báo sẽ kém khả quan trong năm 2021 do La Nina quay trở lại sau khi có một năm tăng trưởng nhờ vào hiện tượng El Nino.

Giá điện trên thị trường điện cạnh tranh năm 2021 được dự báo sẽ thấp hơn 15% so với năm trước do sản lượng thủy điện sẽ tăng mạnh.

VDSC cho rằng điều này có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm sẽ hưởng lợi nhờ duy trì được sản lượng Qc cao, có thể đảm bảo được phần lớn lợi nhuận.

Ngược lại, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ không hứa hẹn nhiều lợi nhuận, thậm chí giá thị trường sẽ thấp hơn giá vốn trong những tháng cao điểm của thủy điện.

Báo cáo cho biết như đã quan sát trong những tháng mưa nhiều trong năm 2020, giá điện thị trường giảm về mức thấp kỷ lục khiến nhiều tổ máy lựa chọn dừng phát điện kết hợp trung tu/đại tu.

Về nguồn cung, mặc dù nhìn chung giá các nguyên liệu (than, khí) đang trong đà giảm ngắn và trung hạn, tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ phụ thuộc phần nhiều vào thủy văn.

Qua đó có thể thấy hiện tượng La Nina tạo cơ hội tăng trưởng cho các nhà máy thủy điện nhưng đồng thời khiến nhà máy nhiệt điện sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì mức lợi nhuận do giá điện trên thị trường cạnh tranh và sản lượng được dự báo sẽ giảm. Điều này cũng lý giải vì sao Nhiệt điện Phả Lại đặt ra mục tiêu lợi nhuận thấp nhất 10 năm qua.

Phương Thảo