Nhật Bản đang "vẽ" lại ngành anime bằng AI, liệu vẽ tay có bị xóa sạch?
Ngành hoạt hình Nhật Bản đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ với trí tuệ nhân tạo, khi các công cụ AI giúp rút ngắn thời gian sản xuất.
AI thúc đẩy năng suất trong ngành hoạt hình tại Nhật Bản
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang định hình lại ngành công nghiệp hoạt hình toàn cầu. Nhật Bản, quốc gia có nền hoạt hình trị giá hàng chục tỷ USD, cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Từ việc hỗ trợ vẽ khung hình trung gian, tô màu tự động, cho đến thiết kế phông nền và hậu kỳ, AI ngày càng được tích hợp sâu vào quy trình sản xuất anime.

Theo Forbes và các báo cáo chuyên ngành, các công cụ AI như Stable Diffusion, DALL-E hay deep learning đang được ứng dụng để thiết kế nhân vật, tạo storyboard và thậm chí dựng cảnh quay từ mô tả văn bản. Điều này giúp rút ngắn thời gian sản xuất từ vài ngày xuống chỉ vài giờ, đồng thời giảm đáng kể chi phí nhân công – yếu tố vốn là gánh nặng cố hữu của các studio tại Nhật.
Thị trường AI cho hoạt hình tại Nhật Bản năm 2023 đạt doanh thu khoảng 67,3 triệu USD và được dự báo sẽ bùng nổ lên 784,2 triệu USD vào năm 2030 với CAGR lên đến 42%. Những con số này không chỉ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết về đổi mới quy trình sản xuất trong ngành hoạt hình đang khan hiếm lao động và chịu áp lực chi phí.
Tác động trái chiều với người lao động trong ngành hoạt hình
Dù AI mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều người làm nghề tại Nhật Bản không khỏi lo ngại. Khảo sát của Nikkei Asia Review cho thấy nhiều họa sĩ kỳ cựu lo sợ bị thay thế ở các khâu cơ bản như vẽ khung trung gian (inbetweening), tô màu hoặc phông nền – vốn là công việc của lực lượng lao động trẻ và giá rẻ.

Điển hình, Studio Piepeline tại Nhật đã ứng dụng AI để tạo khung hình trung gian, giảm thời gian từ 1–10 ngày xuống còn 4–5 giờ. Tại Nagoya, studio K&K Design cũng sử dụng AI để sinh phông nền chỉ trong 5 phút thay vì mất cả tuần như trước. Những thao tác từng cần cả đội họa sĩ, nay có thể hoàn tất chỉ với một người và máy tính.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các họa sĩ, AI không thực sự “giải phóng” họ khỏi áp lực, mà đôi khi còn khiến tiêu chuẩn sản xuất khắt khe hơn. Các studio kỳ vọng sản phẩm nhanh hơn, rẻ hơn, đẹp hơn – nhưng điều này vô tình tạo thêm gánh nặng với những người làm nghề.
Dữ liệu từ Hiệp hội văn hóa phim ảnh và hoạt hình Nippon (NAFCA) cho thấy 50% họa sĩ làm việc trên 225 giờ/tháng, trong khi thu nhập sau thuế của 37,7% người làm nghề chỉ dưới 200.000 yen/tháng (khoảng 1.300 USD). Điều kiện làm việc khắc nghiệt đã tồn tại từ trước, và nay lại càng bấp bênh hơn với sự gia nhập của AI.
Nhật Bản và lựa chọn giữa truyền thống và đổi mới
Mặc dù gặp phải sự phản đối từ nhiều người trong ngành, các hãng lớn tại Nhật Bản vẫn đẩy mạnh ứng dụng AI. Netflix Japan đã thử nghiệm công cụ AI trong phim ngắn The Dog & The Boy, giúp tiết kiệm hàng trăm giờ vẽ tay. Trong khi đó, Toei Animation – “ông lớn” đứng sau One Piece – công bố đầu tư mạnh vào AI để hỗ trợ storyboard, tô màu và hậu kỳ, đồng thời hợp tác phát triển công nghệ với Preferred Networks.
Tuy nhiên, phía Toei cũng nhấn mạnh rằng AI sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, không thay thế con người. Đây là lập trường cân bằng giữa đổi mới công nghệ và bảo tồn bản sắc truyền thống – yếu tố vốn được xem là linh hồn của anime Nhật Bản.
Theo Nova One Advisor, thị trường anime của Nhật được định giá khoảng 13,90 tỷ USD năm 2023 và dự kiến tăng lên 20,38 tỷ USD vào năm 2033. Nhưng để đạt được điều này, ngành hoạt hình Nhật cần giải bài toán khó: vừa tận dụng công nghệ mới, vừa bảo vệ lực lượng lao động đang ngày càng mỏng và thiếu động lực.
Một khảo sát từ The Animation Guild cho thấy 67% thành viên không ủng hộ việc sử dụng GenAI trong môi trường làm việc, 61% lo ngại nghiêm trọng về triển vọng nghề nghiệp. Những số liệu này cho thấy làn sóng AI đang đặt ra thách thức không nhỏ về định hướng phát triển ngành trong tương lai.