Chuyển động

Nhận trọng trách mang tầm vóc quốc gia, Hòa Phát vừa âm thầm hợp tác với “cái nôi” kỹ thuật hàng đầu Việt Nam

Thu Hà 17/07/2025 16:01

Hòa Phát vừa khởi động một bước đi ít ai ngờ tới, được xem là nước cờ dài hơi trong hành trình hiện thực hóa nhiệm vụ quốc gia với ngành thép Việt.

Hòa Phát và tham vọng dẫn đầu cuộc chơi thép ray

Tập đoàn Hòa Phát đang hướng đến mục tiêu tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thép ray – một mắt xích quan trọng phục vụ hạ tầng giao thông đường sắt. Động lực thúc đẩy đến từ thực tế thị trường và chính sách mới: Tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, trong đó có thép ray phục vụ tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và các tuyến kết nối quốc tế.

Hòa Phát
Dự án thép ray của Hòa Phát không chỉ là một dự án sản xuất thép thông thường, mà là nền tảng công nghệ và năng lực sản xuất mà Hòa Phát có thể duy trì, phát triển trong nhiều thập kỷ

Đáp lại kỳ vọng đó, đến tháng 5/2025, Hòa Phát đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất thép ray với tập đoàn SMS Group (Đức). Dự án được triển khai tại Dung Quất, Quảng Ngãi, với công suất 700.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dây chuyền này sẽ hoàn thành trong vòng 20 tháng, cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý I/2027.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát đủ năng lực sản xuất thép ray chất lượng cao, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp quốc tế cả về giá và tiêu chuẩn kỹ thuật. Các sản phẩm ray do Hòa Phát chế tạo không chỉ hướng đến tuyến cao tốc Bắc – Nam mà còn phục vụ các dự án metro đô thị và đường sắt liên vùng trong tương lai gần.

Cần lưu ý, sản phẩm ray thép cho đường sắt tốc độ cao đòi hỏi tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe: phải được luyện từ quặng ít tạp chất, chiều dài thanh ray lên đến 100m, yêu cầu độ cứng, độ thẳng, độ phẳng và độ bền vượt trội so với các loại thép thông thường.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 75/2025/TT-BTC, quy định khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, thời gian sử dụng các hạng mục như ray, đường tàu có thể kéo dài từ 25 đến 100 năm, với tỷ lệ hao mòn từ 1% đến 4% mỗi năm. Đây được xem là cơ sở pháp lý và kinh tế quan trọng để thúc đẩy đầu tư trong ngành công nghiệp phụ trợ hạ tầng giao thông.

Chính sách này tạo hành lang cho các doanh nghiệp nội địa như Hòa Phát tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngành đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển mạnh mạng lưới đường sắt tốc độ cao và đô thị.

Liên kết đào tạo và công nghệ

Ngày 16/7/2025, Tập đoàn Hòa Phát và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức ký kết biên bản hợp tác toàn diện, mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp hàng đầu ngành thép và cơ sở đào tạo kỹ thuật số 1 Việt Nam. Mục tiêu của thỏa thuận là khai thác tối đa thế mạnh hai bên để thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trình độ cao.

Hòa Phát
ập đoàn Hòa Phát ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo nội dung hợp tác, Hòa Phát mong muốn tiếp cận nguồn lực trí tuệ từ đội ngũ chuyên gia và giảng viên đầu ngành của Bách khoa Hà Nội, qua đó đẩy mạnh các dự án nghiên cứu – phát triển (R&D), đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, số hóa hoạt động sản xuất và phát triển vật liệu mới.

Trong khi đó, phía Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng từ mối quan hệ này sẽ mở rộng thêm cơ hội thực hành cho sinh viên, kết nối đào tạo với nhu cầu thực tế sản xuất, nhất là trong ngành luyện kim – lĩnh vực thế mạnh của Hòa Phát cũng như là ngành đào tạo mũi nhọn của trường.

Một trong những trọng tâm hợp tác là cùng nhau hoàn thiện công nghệ sản xuất các dòng thép kỹ thuật cao như thép làm ray đường sắt, thép điện kỹ thuật và các loại mác thép mới. Đồng thời, hai bên sẽ phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực gang thép, vật liệu tiên tiến, môi trường, kiểm định theo chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy năng lực công nghệ trong nước.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chủ động đề xuất xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung, hợp tác thẩm định các dự án đầu tư – môi trường và mở rộng các mô hình phối hợp khác theo định hướng phát triển từng giai đoạn.

Cái bắt tay giữa học thuật và công nghiệp – cú hích cho ngành thép Việt

Trong bức tranh toàn cảnh, sự hợp tác giữa Hòa Phát và Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là câu chuyện giữa một doanh nghiệp và một trường đại học. Đây là mô hình kiểu mẫu về liên kết giữa khu vực học thuật và sản xuất, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

Đại học Bách khoa Hà Nội hiện vẫn là đơn vị đào tạo kỹ thuật – công nghệ hàng đầu cả nước. Theo bảng xếp hạng QS 2022, nhóm ngành Kỹ thuật – Công nghệ của trường đứng thứ 360 toàn cầu, cao nhất Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực Khoa học Vật liệu lần đầu được xếp hạng nhưng đã lọt nhóm 401–410 thế giới – khẳng định vị thế vững chắc trong nghiên cứu vật liệu và luyện kim.

Với nền tảng khoa học mạnh mẽ từ Bách khoa và năng lực triển khai quy mô lớn của Hòa Phát, sự hợp tác này hứa hẹn tạo ra bước đột phá cho ngành thép Việt Nam – không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở đường ra thị trường quốc tế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nhận trọng trách mang tầm vóc quốc gia, Hòa Phát vừa âm thầm hợp tác với “cái nôi” kỹ thuật hàng đầu Việt Nam
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO