Nhân đôi tài khoản sau cú trượt ngã mang tên "margin"

Cập nhật: 11:26 | 04/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Khi mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng, tôi đã buộc phải bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ, để thu về số tiền vẻn vẹn chưa đầy 20% tổng số vốn đầu tư. Tôi nhận ra rằng, tất cả những lý thuyết sáo rỗng trước giờ bỗng thành ra vô dụng. Không chỉ là buồn, mà khi đó bản lĩnh của một thằng đàn ông trong tôi có lúc bị lung lay bởi nỗi thất vọng tràn trề xâm chiếm.

Hành trình nhân đôi, nhân ba tài khoản của một nhà đầu tư từng “chết đi sống lại”

Nên tìm hiểu thật kỹ các doanh nghiệp mình muốn đầu tư; và hãy đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển và mỗi ngành chỉ chọn công ty tốt nhất. Ảnh minh họa

Thất bại tại ... margin

Tôi có cơ duyên biết đến thị trường chứng khoán từ năm 2012, ngay sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, (thường được biết đến với cái tên Bầu Kiên) bị bắt. Sự kiện đó đã khiến giới kinh tế rúng động, thị trường chứng khoán chao đảo nhiều tháng ròng.

Thời điểm tôi đặt chân vào cái nghề chứng khoán, thậm chí tôi còn phải nhận một lời “mắng yêu” tới từ ông bạn thân chí cốt rằng: “Mày muốn chết phải không?”. Phải rồi, chắc hẳn khi ấy không hiếm người sẽ nghĩ nếu không điên thì cũng là quá liều lĩnh khi bước vào chứng khoán, một thị trường đang diễn biến khó lường, mạo hiểm kể cả với những nhà đầu tư lâu năm.

Nhớ lại, tôi lúc đó chỉ là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường, chân ướt chân ráo vào làm cho một CTCK, tất cả mọi thứ với tôi đều rất mới mẻ. Trong góc nhìn của tôi, chứng khoán là nơi mà mọi người đấu trí với nhau, tìm cách nào chiến thắng người khác.

Ở thời điểm đó, khi còn quá trẻ, quá hiếu thắng, tôi luôn nghĩ rằng một kẻ được trang bị đầy đủ kiến thức và công cụ như mình thì việc chiến thắng thị trường là quá dễ dàng. Và tôi đã nhận rất nhiều bài học bởi sự ngây thơ lẫn hiếu thắng của mình.

Lúc bấy giờ, tôi phần nào có được sự may mắn nhất định trong “công cuộc” khởi nghiệp của mình, khi thị trường chứng khoán vừa trải qua một đợt rơi điểm mạnh, nên quả thực mọi thứ diễn ra khá dễ dàng đối với tôi. Đằng sau chuỗi suy giảm không ngừng, thị trường “bật dậy” và chứng kiến một đợt tăng điểm khá tốt. Trong cái thời kỳ “vàng son” đó, nhiều nhà đầu tư cứ mua là thắng, cứ mã cổ phiếu nào được nhiều người để ý là gần như mua sẽ có lời.

Tôi cũng là một trong những trường hợp may mắn đó. Cái thời điểm mà tôi cảm thấy mọi quyết định đưa ra đều đúng đắn, đều “hái quả ngọt” giúp cho sự tự tin ngày một lớn lên trong mình, nhưng cũng kèm theo là sự ảo tưởng về bản thân.

Khẩu vị khi đó của tôi là những cổ phiếu có xu hướng tăng giá mạnh, nhiều người hô hào, bàn tán sôi nổi. Tài khoản của tôi tăng lên nhanh chóng, kèm theo đó là sự hỉ hả và tự tin thái quá. Tôi từ một người chẳng biết gì rồi chơi thử, khi bắt đầu có lãi thì đổ thêm nhiều tiền hơn rồi nhiều hơn, và rồi đỉnh điểm là vay thêm tiền ký quỹ (margin) để đầu tư.

Thế nhưng, ngay trên đỉnh tự mãn, cuộc đời đã đạp cho tôi một cú đau điếng! Thị trường quay đầu lao dốc “không phanh” vào cuối năm 2014. Thị trường chứng khoán lúc nào cũng vậy, tích lũy thì mất nhiều thời gian, nhưng đã “thả phanh” thì sẽ chẳng ai dự đoán được đâu là đáy.

Tất cả những gì tôi kiếm được bỗng chốc bay sạch do margin quá đà. Khi sử dụng margin, cổ phiếu giảm một thì mình mất hai. Cổ phiếu giảm mạnh tới mức có giai đoạn tôi phải xóa “app”, tắt bảng điện và không còn dám nhìn vào danh mục của mình nữa.

Chưa dừng lại ở đó, bất chấp những sự lo lắng, hoảng loạn của tôi, cũng như hầu hết các nhà đầu tư khác, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục “dò đáy” và số tiền của tôi ngày một hao hụt.

Đến một ngày, khi mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng, tôi đã buộc phải bán hết số cổ phiếu đang nắm giữ, để thu về số tiền vẻn vẹn chưa đầy 20% tổng số vốn đầu tư. Tôi nhận ra rằng, tất cả những lý thuyết sáo rỗng trước giờ bỗng thành ra vô dụng. Không chỉ là buồn, mà khi đó bản lĩnh của một thằng đàn ông trong tôi có lúc bị lung lay bởi nỗi thất vọng tràn trề xâm chiếm.

Vượt qua cú sốc đầu đời

“Nhưng dù cuộc sống có tồi tệ thế nào thì cũng phải vượt qua thôi”, tôi bắt đầu nghĩ đến điểm mạnh của mình nằm ở niềm tin nơi chính mình, và tôi không cho phép chìm sâu quá lâu vào thất bại đó! Cho dù rất lạc quan, tôi cũng đã phải mất hơn một năm để tự tìm cách vượt qua được cú sốc đầu đời đó.

Trong thời kỳ “bình phục”, tôi đã tự trải nghiệm và học hỏi thêm các phương pháp đầu tư khác. Tôi theo học từ những nhà đầu tư già dặn thường xuyên lên sàn giao dịch, cũng như tự dành dụm tiềm đi học các khoá về quản trị doanh nghiệp và đầu tư. Dần dần, quan điểm của tôi về chứng khoán đã mở rộng ra, tôi nhận ra đó không chỉ đơn thuần là cuộc đua về trí tuệ, chứng khoán còn là một kênh huy động vốn rất tốt cho doanh nghiệp, và là một kênh sinh lời tốt cho các nhà đầu tư.

Và tôi lại bắt đầu một hành trình đầu tư mới, nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn, và cũng cẩn trọng hơn. Thay vì trước đây tôi coi chứng khoán là một công cụ để kiếm tiền, phục vụ các nhu cầu cho cuộc sống thì giờ tôi chỉ coi chứng khoán là một nơi gửi tiền. Tôi cũng phải tự học thêm cách cân đối dòng tiền cho phù hợp. Mỗi tháng tôi đặt mục tiêu phải để ra được một số tiền cố định, phục vụ cho việc mua các cổ phiếu tốt và xác định nắm giữ dài hạn.

Việc đầu tiên là cơ cấu dòng tiền. Thực sự thời gian đầu tôi rất khó khăn khi đang chi tiêu một cách thoải mái giờ lại phải bóp mồm, bóp miệng để có một phần tích góp. Nhưng làm dần rồi cũng quen, việc cơ cấu dòng tiền đã vào khuôn khổ, bản thân tôi cũng học được thêm cách sử dụng đồng tiền thông minh hơn.

Sau khi có tiền rồi, tôi lại phải học cách đầu tư vào doanh nghiệp nào cho hiệu quả. Tâm lý chạy theo đám đông trong tôi đã không còn, cách tôi chọn là nén bản thân mình chậm lại một nhịp, cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong từng hành động đưa ra. Tôi cũng học cách tự mày mò và tham khảo những nhà đầu tư có kinh nghiệm khác để lựa chọn ra một phương pháp đầu tư phù hợp.

Giờ đây, tôi tập trung vào giá trị nội tại của doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp có sự tăng trưởng bền vững và có lợi thế trong ngành chứ không lựa chọn chạy theo thị trường.

Khó khăn lớn nhất là vượt qua sự cám dỗ của bảng giá và chiến thắng được tâm lý đám đông. Trong các thị trường vàng hay đất đai, chúng ta không có điều kiện theo dõi thị trường mỗi ngày nên áp lực ít hơn. Nhưng chứng khoán không giống như vậy, việc suốt ngày theo dõi bảng giá sẽ khiến chúng ta bị áp lực và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những người khác.

Có những lúc cả thị trường đỏ lửa, có những lúc thị trường rất hưng phấn nhưng cổ phiếu mà tôi sở hữu vẫn đứng im. Tôi cũng có chút lo lắng, nhưng lâu dần sau một hai năm thì mọi thứ trở lên khá bình thường. Tôi luyện cho mình sự vững tâm theo đuổi những giá trị nội tại mà không phải lên xuống hàng ngày, hàng giờ theo đám đông không rời mắt khỏi bảng giá. Và thực tế chứng minh, những gì tôi xây dựng từ nền tảng vững chắc đã đem lại những giá trị xứng đáng.

Xây dựng phương pháp đầu tư cho riêng mình

Ban đầu, lúc xây dựng phương pháp thì vẫn còn vấp váp, vẫn còn có sai lầm, tôi luôn phải cố gắng hoàn thiện mình, sai đâu sửa đấy. Dần dần, tôi cũng hoàn thiện phương pháp phù hợp. Suốt từ giai đoạn 2015-2019, tài sản của tôi đã tăng gấp đôi, trong khi hành trình đó không hề yên ả, tôi vẫn phải trải qua nhiều đợt thị trường rơi điểm khác nhau, đỉnh điểm là đợt giảm mạnh vào năm 2018.

Sang năm 2020-2021, bình quân mỗi năm số tiền tôi đầu tư đã tăng trưởng gấp rưỡi. Tất nhiên, kết quả này chưa thể so sánh với nhiều nhà đầu tư khác, nhưng tôi hài lòng với cách đầu tư của bản thân hiện tại, và sẽ kiên định theo con đường tôi đang vạch ra.

Khi mà tôi đã cân đối được cách sử dụng tiền và đã có sẵn một danh mục phù hợp, thì thời gian tôi dành cho việc đặt lệnh rất ít. Tôi có thêm nhiều thời gian cho những việc ý nghĩa khác, như chăm sóc bản thân và gia đình, xây dựng và nuôi dưỡng một đời sống lành mạnh, đa dạng và có nhiều kết nối sâu và dành thời gian chất lượng cho những người tôi yêu thương. Đối với tôi, đó mới là điều tuyệt vời nhất!

Năm 2022, tôi giữ nguyên phương pháp đầu tư cũ. Tài khoản có giảm ít nhiều, song tôi vẫn thấy rất bình thường và không bị quá áp lực. Mỗi tháng khi có thu nhập tôi vẫn cân đối để chuyển vào đó 10%-20% thu nhập dành cho mua các cổ phiếu tôi ưa thích. Tôi tin rằng trong vòng 3-4 năm nữa, tài khoản của tôi vẫn có thể tăng trưởng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Tôi sẵn lòng chia sẻ những phương pháp đầu tư của mình với cộng đồng, với triết lý sống là “cho đi sẽ nhận lại”.

Tôi cho rằng các nhà đầu tư dù là F0 hay Fn, hãy luôn luôn bắt đầu từ việc cân đối dòng tiền của bản thân cho hợp lý; tạo một thói quen tiết kiệm tiền mỗi khi có thu nhập.

Ngoài ra, nên tìm hiểu thật kỹ các doanh nghiệp mình muốn đầu tư; và hãy đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển và mỗi ngành chỉ chọn công ty tốt nhất.

Nên nhớ rằng, thị trường trong ngắn hạn chỉ đơn thuần là lòng tham và sự sợ hãi của đám đông; hãy tránh xa điều đó và tập trung vào giá trị nội tại doanh nghiệp. Cũng đừng quá lãng phí thời gian cho theo dõi bảng giá cả ngày, mà hãy phát triển bản thân để có được thu nhập tốt hơn và cống hiến cho xã hội nhiều hơn.

Và đặc biệt, chỉ bán cổ phiếu khi doanh nghiệp đã hết dư địa phát triển hoặc tìm thấy các cơ hội khác hấp dẫn hơn. Không bán vì mục đích “trading”.

Hi vọng rằng chia sẻ của tôi sẽ phần nào giúp các bạn có thêm một góc nhìn cũng như một phong cách đầu tư cho phù hợp. Tôi tin rằng, thị trường chứng khoán sẽ ngày càng phát triển và có nhiều người đầu tư hiệu quả hơn.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Nguyễn Đức Linh (FPTS)