Nhận định chứng khoán ngày 5/3/2021: Lấy lại đà tăng

Cập nhật: 17:58 | 04/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục gặp khó khi tiếp cận mốc cao lịch sử. Sau ít phút giằng co vào đầu phiên sáng 4/3, các chỉ số chính quay đầu “trượt dốc”, trong đó VN-Index đóng cửa mất tới hơn 18 điểm. Cùng với đó, giao dịch khối ngoại vẫn theo chiều hướng xấu khi họ tiếp tục bán ròng 200 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực bán tập trung vào các Bluechips như VNM, VIC, VCB, POW, MSN…

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 05/03/2021.

Vn-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Chỉ số VnIndex giảm -18,43 điểm – tương đương -1,55%, đóng cửa ở mức 1.168,52 điểm. Chỉ số HnxIndex tăng +1,67 điểm – tương đương +0,66%, lên 255,77 điểm.

BCM, CTG và VPB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VnIndex ngày hôm nay, đóng góp +0,86, +0,60 và +0,56 điểm. Trong khi đó, VHM, TCB và BID là 3 mã có tác động tiêu cực nhất cho chỉ số, lấy đi lần lượt -1,34, -1,21 và -1,12 điểm. Giá trị giao dịch đạt 15.251 tỷ VNĐ trên sàn HSX và 7.176 tỷ VNĐ trên sàn HNX. Khối ngoại bán ròng -234,83 tỷ VNĐ trên sàn HSX và - 13,21 tỷ VNĐ trên sàn HNX.

Về diễn biến nhóm ngành, 9 trên 10 nhóm ngành giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Dẫn đầu là ngành Viễn thông (-2,32%) – giảm bởi FPT (-2,32%). Nhóm Công nghệ cũng giảm -2,22% bởi các mã MWG (-2,5%), CMG(-1,61%) và ICT(-4,57%).

Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu phiên kế tiếp và có thể sẽ có diễn biến hồi phục trở lại về cuối phiên. Chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1150- 1155 điểm. Đây là vùng cản được chúng tôi đánh giá sẽ giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xuyên thủng vùng kháng cự này, chỉ số sẽ lùi về vùng hỗ trợ mạnh nằm tại 1100-1120 điểm trong ngắn hạn. Về tổng thể, chúng tôi đánh giá nhịp điều chỉnh này là cần thiết để giúp thị trường có thời gian tích lũy thêm xung lực, qua đó mới có thể kỳ vọng chỉ số sẽ chinh phục thành công vùng đỉnh 1200 điểm.

- Chiến lược đầu tư:

+ Duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50-70% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung-dài hạn.

+ Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục. Hoạt động giải ngân có thể tập trung ở nhóm các cổ phiếu nguyên vật liệu, dầu khí, thép, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

2430-nhan-dinh
Hình minh họa

Kịch bản vượt ngưỡng lịch sử 1.200 điểm sẽ khó khăn hơn

(CTCK MB – MBS)

Mạch tăng 5 phiên liên tiếp của thị trường trong nước bị chắn ngang bởi phiên giảm hơn 18 điểm trong phiên hôm nay. Thị trường đã có lúc giảm hơn 27 điểm nhưng đã phục hồi nhờ nhóm cổ phiếu dầu khí ngược dòng, qua đó lấy lại phần nào tâm lý cho nhà đầu tư. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 18,43 điểm còn 1.168,52 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 21,31 điểm xuống 1.174,29 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 95 mã tăng/362 mã giảm, ở rổ VN30 có tới 29 mã giảm và 1 mã tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên hôm qua, giá trị khớp lệnh sàn HSX đạt hơn 15.251 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị hơn 200 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường kể từ cuối tháng 1 vẫn không thay đổi, thị trường vẫn dao động trong một vùng giao dịch rộng từ 1.150 điểm đến 1.185 điểm. Kịch bản vượt ngưỡng lịch sử 1.200 điểm tuy sẽ khó khăn hơn nhưng nếu vẫn duy trì được vùng tích lũy như hiện tại cũng là tín hiệu tốt cho thị trường lúc này. Thị trường phái sinh sau nhịp giảm hơn trong phiên sáng cũng đóng cửa với basis cao hơn 7 điểm ở cả 4 hợp đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục sau phiên giảm mạnh. Nhà đầu tư tiếp tục chú ý nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá hàng hóa như nhóm cổ phiếu thép, dầu khí, thủy sản, hóa chât...

Thị trường có thể quay trở lại đà tăng

(CTCK Yuanta Việt Nam – YSVN)

Diễn biến thị trường phân hóa ở các chỉ số. Chỉ số VN-Index chốt phiên với mức giảm 1,55% dừng tại 1.168,52 điểm. Chỉ số HNX-Index ngược lại tăng 0,66% tạm dừng ở 255,77 điểm. Chỉ số Upcom-Index giảm 0,18%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt 19.570 tỷ đồng tăng gần 20% so với phiên liền trước.

Nhóm VN30-Index ghi nhận mức giảm 1,78% mạnh hơn cả chỉ số chính. Lực bán tương đối mạnh trong phiên hôm nay nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. VIC là cổ phiếu duy nhất không ảnh hưởng bởi thị trường trong VN30-Index.

Về nhóm ngành, nhóm Dầu khí, Phân bón ghi nhận mức tăng mạnh gồm PVD, PVT, PVS, PVC, DPM, DCM, LAS, OIL, BSR…

Khối ngoại duy trì nhịp bán ròng nhưng đang giảm quy mô chỉ còn 205 tỷ đồng toàn thị trường. Dẫn đầu đà bán ròng là các mã VNM (75 tỷ), VIC (60 tỷ), VCB (34 tỷ). Ở chiều mua, PLX (115 tỷ), FUEVFVND (54 tỷ), BSR (49 tỷ) được mua ròng tích cực nhất.

Chúng tôi cho rằng thị trường có thể quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index vẫn có cơ hội kiểm định lại ngưỡng 1.200 điểm. Dòng tiền chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường và có khuynh hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hỏa nhỏ, các cổ phiếu trên sàn HNX và Upcom (đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí) cho nên chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh có thể nhanh chóng kết thúc. Đồng thời, cơ hội giải ngân mới vẫn còn cao cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.

Xu hướng thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.

Xu hướng tăng vẫn đang giữ vai trò chủ đạo

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

Lực cản mạnh tại vùng kháng cự 1.200 điểm có thể khiến chỉ số tiếp tục đối mặt với diễn biến rung lắc trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng vẫn đang giữ vai trò chủ đạo, bất chấp khả năng trong kịch bản điều chỉnh sâu, chỉ số có thể lùi xuống vùng hỗ trợ quanh 1.100-1.110 điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ vị thế trung hạn và có thể tiếp tục từng bước gia tăng vị thế ngắn hạn trở lại trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ.

VN-Index có thể sẽ hồi phục nhẹ

(CTCK BIDV - BSC)

Trên thị trường, dòng tiền giảm mạnh và chỉ còn 3/19 nhóm ngành tăng điểm. Ngoài ra, khối ngoại vẫn đang bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX.

Bên cạnh đó, độ rộng chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản gia tăng so với phiên trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể sẽ có sự hồi phục nhẹ vào phiên cuối cùng của tuần giao dịch.

Chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm

(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.130-1.140 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh.

Kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.150 – 1.160 điểm

(CTCK Asean - Aseansc)

Trong phiên giao dịch 04/03, mặc dù có lúc tăng gần 5 điểm, tuy nhiên áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm chỉ số VN-Index quay đầu giảm hơn 18 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 18,43 điểm (giảm 1,55%), đóng cửa ở mức 1.168. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 670 triệu cp (tăng 6%), giá trị gần 17.000 tỷ đồng (tăng 11%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (95 mã tăng/ 362 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 230 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào VNM, và HDB.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn 3 ngày (MA3), 5 ngày (MA5), và 10 ngày (MA10), là tín hiệu khá tiêu cực.

Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.150 – 1.160 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.130 – 1.140 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.170 – 1.180 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.190 – 1.200 điểm.

Aseansc cho rằng phiên giảm điểm 04/03 chủ yếu mang tính chất kỹ thuật, khi VN-Index quay lại lấp ‘Gap’ tại vùng 1.170 – 1.175 điểm. Do đó, Aseansc dự báo trong phiên 05/03, lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm có thể giúp thị trường hồi phục trong phiên sáng để VN-Index kiểm định lại kháng cự 1.170 – 1.180 điểm. Nếu không bảo vệ thành công hỗ trợ này, VN-Index sẽ kéo dài mức giảm xuống hỗ trợ MA20 đang nằm tại 1.130 – 1.140 điểm và giằng co với lực mua giá thấp tại đây. Xu hướng tăng của thị trường chỉ có thể bị đảo chiều nếu ngưỡng hỗ trợ MA20 này bị vi phạm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% tiền mặt/ 50% cổ phiếu.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Phiên giao dịch ngày 5/3/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 5/3/2021, ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 4/3/2021

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như SSB, BBS, UPC, PVM… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ...

Cổ phiếu PLX được gom mạnh, khối ngoại tiếp tục bán ròng phiên 4/3/2021

Kết phiên giao dịch ngày 4/3/2021, khối ngoại trên toàn thị trường đã bán ròng 200 tỷ đồng trên toàn thị trường với lực bán ...

Tân An