Nhận diện thách thức, giữ nhịp tăng trưởng GDP trong năm 2023

Cập nhật: 10:59 | 21/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Kết thúc năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 8,02%, cao nhất kể từ năm 2008. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thập niên, tăng trưởng GDP vươn tới ngưỡng 8%.

Doanh nhân và vấn nạn tin đồn, tin giả

14 năm... chờ đợi

2022 là một năm đặc biệt đối với nền kinh tế Việt Nam. Ít ai có thể ngờ được, trong bối cảnh gánh chịu những thương tổn đến từ dịch bệnh, nền kinh tế lại thể hiện sức bật mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt trên 8%. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây, xấp xỉ kết quả đạt được trong giai đoạn 2005 – 2007.

Với những nhà quan sát kinh tế vĩ mô kỳ cựu, đó thực sự là một kỳ tích, nhất là khi đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2022 đã phải đối diện với những khó khăn chồng chất: từ đại dịch, cho tới chiến sự Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá năng lượng lên cao, khiến lạm phát tăng vọt, chính sách thắt chặt tiền tệ được thực thi ở mức độ toàn cầu, làm chậm đi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất… trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lên tới 200% GDP.

Thành tựu nổi bật đó giải thích vì sao Ruchir Sharma, chủ tịch của Rockerfeller International và là cựu chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley, trên Financial Times đã phải ca ngợi Việt Nam là một trong những “kỳ quan kinh tế” của thế giới.

GDP
14 năm rồi, Việt Nam mới lại được nhìn thấy tăng trưởng GDP chạm tới ngưỡng 8%. Ảnh minh hoạ

Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%; trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: bán buôn, bán lẻ tăng 10,15%; vận tải kho bãi tăng 11,93%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,61%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%.

Sức mua của nền kinh tế cũng đã được cải thiện lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5,68 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao nhất kể từ 2018.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng ghi dấu ấn rất đậm nét, với mức tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; ước tính ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 7 xuất siêu liên tiếp.

Hoạt động đầu tư cũng diễn ra mạnh mẽ với vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Không khí lạc quan khiến số số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn người, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 59,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,8%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

Ở các chỉ tiêu lớn, thành tựu quan trọng là Việt Nam kiểm soát được lạm phát ở mức lý tưởng. CPI bình quân năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%. Tỷ giá sau thời gian căng thẳng đã chính thức hạ nhiệt, giúp đảm bảo ổn định vĩ mô, củng cố sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp.

Thách thức đặt ra cho năm 2023

Mặc dù đạt được kết quả tăng trưởng vô cùng ấn tượng trong năm 2022, song nhìn lại một năm đã qua, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn bày tỏ một số điều lo ngại.

Trước hết, tốc độ tăng trưởng GDP đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Quả thực, trong ba quý đầu tiên của năm 2022, GDP đều tăng trưởng mạnh, quý sau lớn hơn quý trước, lần lượt là: 5,03%, 7,72%, 13,67%.

Tuy nhiên, bước sang quý IV, GDP chỉ tăng 5,92%. Mức tăng chậm lại rất đáng kể trong quý IV đã phản ánh những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung đang gặp phải. Theo các chuyên gia, những khó khăn này sẽ còn kéo dài, ít nhất đến hết quý I/2023, và do đó sẽ làm chậm đi phần nào khả năng tăng trưởng của năm 2023.

Đó cũng là lý do khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023, Chính phủ chỉ ước tính ở mức 6,5% - thấp hơn khá nhiều so với mức thực hiện năm ngoái, nhưng vẫn được đánh giá là không dễ dàng đạt được.

Điểm qua một số báo cáo của giới phân tích vĩ mô, các vấn đề có thể gây cản trở tốc độ tăng trưởng GPD của Việt Nam bao gồm: tốc độ giải ngân đầu tư công chưa được như kỳ vọng; dù đã mở cửa hoàn toàn, lượng du khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn; hoạt động xuất nhập khẩu chậm đi, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chậm lại.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang duy trì ở mức cao và có thể còn lên cao nữa, gây khó khăn cho doanh nghiệ và lĩnh vực bất động sản đang gặp thách thức rất lớn, chưa dễ xử lý trong một sớm, một chiều.

Những khó khăn này đang đặt ra bài toán khó cho Chính phủ trong năm 2023, song với bản lĩnh vững vàng như những gì đã thể hiện trong giai đoạn khó khăn nhất (2020 – 2021), chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một triển vọng tươi sáng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và tin rằng những chỉ tiêu đặt ra có thể trở thành hiện thực.

Hải Thu

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm