Nhận diện rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Cập nhật: 19:30 | 08/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Nền kinh tế chuyển mình trên mỗi bước đường phát triển của đất nước đều để lại những bài học kinh nghiệm đắt giá đối với quốc gia, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua là một trong những bài học đắt giá cho mỗi cá nhân khi bỏ tiền vào kênh đầu tư này mà chưa tìm hiểu kỹ lưỡng những rủi ro.

Techcombank đánh bật nhóm "Big 4" dành ngôi đầu về thu nhập nhân viên ngân hàng

Năm 2021 là một năm có nhiều biến động tiêu cực về tình hình tài chính của quốc gia, tác động trực tiếp lên các hoạt động huy động vốn như tình trạng thao túng thị trường chứng khoán; hàng loạt dấu hiệu phát hành trái phiếu doanh nghiệp sai quy định; lợi nhuận ảo nằm trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp... kéo theo không ít bất ổn tài chính từ quy mô doanh nghiệp đến hầu bao của các nhà đầu tư.

Cũng từ ảnh hưởng của đại dịch, dòng vốn thiếu thị trường an toàn để đầu tư, kéo theo sự lên ngôi của thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản; thị trường huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ở nội dung của bài viết này, tác giả xin đưa ra góc nhìn riêng về kênh huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lãi suất cao trong khi dòng vốn thiếu thị trường an toàn để đầu tư

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ràng buộc bởi Luật Chứng khoán, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Vừa qua hàng loạt các tập đoàn lớn đã phát hành thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu với tỷ lệ lãi suất dao động trên dưới 12%/năm. Tuy nhiên đi theo lượng vốn huy động được, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhiều sai phạm của các đơn vị phát hành.

Trên góc độ nhà đầu tư, ai cũng biết nếu gửi tiền vào ngân hàng, lãi suất được hưởng dao động xấp xỉ 7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất của trái phiếu mà các tập đoàn phát hành thường trên dưới 12%/năm. Ngoài lãi suất đó ra, chi phí tư vấn phát hành, chi phí cho kênh phân phối ra thị trường và những chi phí liên quan chiếm thêm khoảng 2,5% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Như vậy nếu phân bổ theo năm, chi phí bình quân mà số lượng trái phiếu phát hành phải gánh chịu sẽ chiếm khoảng trên13%.

Câu hỏi đặt ra là với chi phí vốn trên 13%/năm, kết hợp với chi phí tiền lương, chi phí quản lý, chi phí khác có liên quan... tổng chi phí của doanh nghiệp có thể lên tới 20%. Với khoản chi phí đó, liệu có những ngành nghề kinh doanh nào mang được lợi nhuận cho chủ đầu tư? Vì sao chủ đầu tư lại chấp nhận chi phí vốn lớn đến như vậy? Thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp còn chấp nhận làm sai quy định của pháp luật để tìm kiếm bằng được dòng vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu.

Câu trả lời có thể nằm ở một số khả năng như doanh nghiệp không còn đủ điều kiện để huy động được vốn ở các kênh truyền thống như ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường vốn phi tập trung... trong khi những khoản nợ đã đến hạn hoặc các khoản chi lớn theo kế hoạch đã đến lúc phải sử dụng vốn. Yếu tố thứ hai là lượng vốn huy động được thông qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường rất lớn mà không cần tới hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, hay nói cách khác là không cần giao tài sản thế chấp cho nhà đầu tư nắm giữ.

Một điều khá phổ biến hiện nay mà các nhà đầu tư đặt nhầm niềm tin vào một loại trái phiếu doanh nghiệp nào đó, bởi doanh nghiệp phát hành trái phiếu hợp tác với các ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm trái phiếu của mình ra thị trường. Vì vậy, khi khách hàng gửi tiền ở ngân hàng, nhân viên quầy giao dịch sẽ tư vấn cho khách hàng đầu tư vào trái phiếu. Khi đó, mức lãi suất 12%/năm của trái phiếu sẽ tạo sức hút rất lớn đối với người gửi tiền, thay vì 7%/năm nếu gửi vào ngân hàng.

Ở kênh phân phối này, niềm tin càng được củng cố khi sản phẩm đó được chính nhân viên ngân hàng chào bán. Nói cách khác là nhiều khách hàng lầm tưởng khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã gắn trách nhiệm của ngân hàng, mà không biết rằng ngân hàng chỉ là một kênh phân phối trái phiếu để tìm kiếm lợi ích, thông qua tỷ lệ phần trăm của doanh số bán hàng đã được cam kết giữa hai bên.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp

Bàn về vấn đề này mới thấy các nhà đầu tư đặt yếu tố an toàn vốn ở vị trí quá thấp so với mức lãi suất hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhiều công ty phát hành thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, chỉ với tài sản bảo lãnh là cổ phiếu của các công ty con trong tập đoàn, hoặc một dự án bất động sản nào đó trong quá trình đầu tư.

Khi tài sản đảm bảo là cổ phiếu, giá trị cổ phiếu thường được đơn vị chuyên môn định giá cao hơn khá nhiều so với giá trị thực tế của cổ phiếu đó ngoài thị trường, tại thời điểm định giá, và lấy đó làm căn cứ đưa ra giá trị bảo lãnh cho số lượng trái phiếu sẽ phát hành.

Về bản chất, giá trị cổ phiếu phụ thuộc vào một số yếu tố như giá trị doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng trong quá khứ, chất lượng nhân sự, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong tương lai... Cố phiếu đó có thể mất hầu hết giá trị khi một số hoặc tất cả các yếu tố tác động đến giá trị cổ phiếu cùng suy giảm. Khi đó, giá trị tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ chỉ là những con số trên giấy mà thôi.

Khi tài sản đảm bảo là dự án bất động sản ta thấy, hiện nay đa phần các dự án khi đã đủ điều kiện vay vốn, các chủ đầu tư sẽ sử dụng làm tài sản đảm bảo hình thành trong quá trình đầu tư để cầm cố cho các ngân hàng, vay vốn phục vụ kinh doanh. Vì vậy các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng về vấn đề này.

Tuy nhiên, tài sản đảm bảo là dự án sẽ có vô số rủi ro như tác động từ chính sách pháp luật làm thay đổi mục đích của dự án, dự án hoạt động không hiệu quả, dự án thay đổi chủ đầu tư trong thời gian sử dụng làm tài sản đảm bảo... Bởi lẽ, các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền chi phối vào quyết định của chủ đầu tư, khi định đoạt và vận hành tài sản đảm bảo trong quá trình bảo lãnh cho trái phiếu.

Vậy khi cổ phiếu xuống giá hoặc dự án gặp rủi ro, trái phiếu sẽ đi về đâu? Khi đó nhà đầu tư sẽ được sang nhượng cổ phiếu trên giấy hoặc nhận được một phần quyền định đoạt bất động sản trong dự án. Và rồi khoản đầu tư trái phiếu có thể sẽ kéo dài nhiều năm sau đó vì khó khăn trong thu hồi vốn đầu tư, hoặc mất hoàn toàn giá trị khi cổ phiếu bảo lãnh phát hành không còn giá trị trên thị trường chứng khoán.

Những lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Qua phân tích ở trên, phần nào đã cho thấy những rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy nhà đầu tư cần quan tâm tới những vấn đề bất ổn trong đầu tư trái phiếu như một số cảnh báo dưới đây, trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

  1. Lãi suất cao không nên đầu tư dài hạn

Đối với các thị trường huy động vốn truyền thống như ngân hàng và các tổ chức tín dụng, lãi suất thường được quy định theo một khuôn khổ nhất định, với biên độ dao động cụ thể và đa phần phải có tài sản thế chấp. Trường hợp cho vay tín chấp, phải đảm bảo các quy định ngặt nghèo từ phía ngân hàng. Tuy nhiên các tổ chức tín dụng cũng rất hạn chế cho vay theo hình thức này.

Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên ngôi, nó đã hút hàng ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư mà không cần phải ràng buộc chặt chẽ về tài sản bảo lãnh, thế chấp. Vì vậy, rủi ro được doanh nghiệp phát hành đặt hoàn toàn vào tay các nhà đầu tư, thông qua đơn vị tư vấn và các kênh phân phối trái phiếu có uy tín.

  1. Trái phiếu phải được thoát vốn trước hạn

Quyền thoát vốn trước hạn khi ký hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, là điều khoản cần thiết giúp nhà đầu tư bảo vệ được mình khi có những thông tin bất lợi trong quá trình hoạt động của đơn vị phát hành, bởi đa phần các đơn vị phát hành trái phiếu với lãi suất cao, đều xuất phát từ nhu cầu bức thiết về sử dụng vốn đối với khoản thu về từ trái phiếu. Trong đó hầu hết khoản thu về từ trái phiếu đều sử dụng không đúng mục đích phát hành, như đã cam kết với nhà đầu tư.

  1. Đầu tư theo từng kỳ cố định sẽ an toàn vì tài sản bảo lãnh

Bản chất của tài sản bảo lãnh phát hành phải ổn định về mặt giá trị và phải thuộc quyền định đoạt của nhà đầu tư, trong suốt quá trình hiệu lực của hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, bởi tài sản bảo lãnh giúp gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với khoản thu về do phát hành trái phiếu. Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng về giá trị và quyền định đoạt đối với tài sản bảo đảm trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Vũ Chiến