Nhắm tệp khách hàng khủng, ngân hàng rầm rộ bắt tay fintech

Cập nhật: 09:36 | 25/05/2021 Theo dõi KTCK trên

Hệ sinh thái đa dạng và quy mô lên tới hàng chục triệu khách hàng của nhiều fintech đang được các nhà băng thèm khát.

3220-dt
Khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ đa dạng từ sự hợp tác của ngân hàng, công ty tài chính với các fintech

Ngân hàng “nhúng” dịch vụ trên loạt fintech đình đám

Không có gì ngạc nhiên nếu một ngày, mở một ứng dụng thanh toán, gọi xe, giao đồ ăn… người dùng sẽ bị “bủa vây” bởi hàng loạt App cho vay đến từ công ty tài chính, ngân hàng, thậm chí cả các công ty cho vay ngang hàng (P2P).

Mới đây, nhiều khách hàng sử dụng ví điện tử Momo được cung cấp dịch vụ Ví trả sau - dịch vụ do Momo bắt tay với TPBank thực hiện. Theo đó, khách hàng của Momo sẽ được TPBank cấp khoản vay tín chấp từ 1 đến 5 triệu đồng để thanh toán một số dịch vụ trên ví Momo, lãi suất 0,15%/ngày (54%/năm). Những khách hàng đáp ứng đủ điều kiện (đã xác thực, không có nợ xấu…) đều ngay lập tức được cấp khoản vay chỉ trong vài phút thao tác.

Dù hạn mức mỗi khoản vay không lớn, song với tệp khách hàng “khủng” hơn 23 triệu người dùng của Momo, sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều ngân hàng, công ty tài chính bắt tay với ví điện tử này để triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng. Hiện tại, trên ứng dụng Momo, ngoài tiếp cận khoản vay từ TPBank, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay nhỏ từ FastMoney - sản phẩm của Công ty cổ phần Tài chính điện lực.

Việc ngân hàng, công ty tài chính bắt tay các fintech đình đám để triển khai dịch vụ không còn xa lạ. Không dừng lại ở hoạt động thanh toán đơn thuần như trước, các dịch vụ được hai bên hợp tác triển khai ngày càng đa dạng, trong đó có cả các dịch vụ khá phức tạp, như cho vay, huy động.

Mặc dù đã có Ngân hàng số UBank và VPBank online, song đầu năm nay, VPBank vẫn bắt tay Công ty cổ phần Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) triển khai ứng dụng Ngân hàng số Cake, nhắm tới 10 triệu khách hàng của ứng dụng gọi xe này. Thông qua Cake, khách hàng của Be có thể gửi tiết kiệm, mở tài khoản trực tuyến, nhận và chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mở thẻ ghi nợ…

Ngân hàng mở đang là xu hướng

Cuộc đua số hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các ngân hàng Việt Nam. Theo Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động hóa.

Trên thực tế, các ngân hàng Việt Nam có quan điểm rất mở với fintech và ngày càng mở rộng hơn các lĩnh vực hợp tác. Nhiều ngân hàng như BIDV, VietinBank, OCB, VPBank, TPBank… đều rất tích cực mở Giao diện lập trình ứng dụng (API) cho fintech. Cụ thể, BIDV và OCB đã mở hơn 30 - 40 API, VietinBank cũng cung cấp khoảng 130 API.

Mấu chốt lớn nhất trong việc mở rộng kết nối các dịch vụ của ngân hàng với fintech và đối tác khác là vấn đề chia sẻ, bảo mật dữ liệu, bởi hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng.

Hiện nay, Dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử mới được đưa ra lấy ý kiến. Theo kế hoạch, phải đến năm 2022, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành thông tư hướng dẫn về Open API. Ngoài ra, luật về bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng… cũng chưa có.

Một khi hành lang pháp lý về dữ liệu được hoàn thiện, kỷ nguyên mới về sự hợp tác giữa ngân hàng - fintech sẽ được bắt đầu. Khi đó, dịch vụ ngân hàng “nhúng” tại các fintech sẽ đa dạng hơn bởi ngân hàng, công ty tài chính sẽ không còn phải quá lo lắng đến vấn đề dữ liệu giả mạo, lộ dữ liệu, tấn công mạng, đánh cắp dữ liệu…

Báo cáo mới đây của tổ chức IDC cho rằng, giao dịch di động, số hóa hoạt động cho vay sẽ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới với sự góp mặt của các fintech. Theo IDC, đến giữa năm 2021, 50% các quyết định cho vay trong ngân hàng bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi lợi ích từ fintech, thị trường cũng sẽ chứng kiến sự tăng tốc hợp tác giữa các ngân hàng và lĩnh vực tiềm năng này.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định, ngân hàng số sẽ là chiến lược ưu tiên của VPBank năm 2021 và những năm tới thông qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Nở rộ xu hướng “tài chính nhúng”

Công nghệ hiện đại cho phép hoạt động ngân hàng được gắn vào hầu hết ngành tài chính khác. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều trang bị công nghệ Open Banking (ngân hàng mở) trong hoạt động của mình. Theo đó, thông qua Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các ngân hàng dễ dàng cho phép và kết nối với các fintech, các nhà cung cấp dịch vụ khác, hình thành nên hệ sinh thái đa dạng, tiện ích để phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank khẳng định: “Chúng tôi hiểu rằng, ngân hàng không thể độc quyền thanh toán, mà hoàn toàn có thể bắt tay các fintech để hình thành nên hệ sinh thái đa dạng nhất, tiện ích nhất cho khách hàng”.

VietinBank được chấp thuận bổ sung thêm gần 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Công Thương ...

SSI Research: Một lượng tiền lớn sẽ được bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ

SSI Research đánh giá nguồn cung nội tệ trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất ổn định. Đặc biệt sẽ có một lượng tiền ...

Huy động vốn qua kênh trái phiếu đang 'hot'

Hiện tại, trái phiếu có lợi cho ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn nhất là trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên ...

Theo baodautu.vn