Nhà đầu tư cần làm gì khi thiên nga đen có thể sắp xảy ra?

Cập nhật: 13:12 | 21/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Không hẳn các sự kiện thiên nga đen đều khó đoán định vì nó sẽ luôn có một vài dấu hiệu sớm cho thấy điều đó. Sẽ luôn có những người hoặc tổ chức đứng lên và trấn an về những gì đang diễn ra; rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng do tính chất bất ngờ, chưa bao giờ hoặc ít khi xảy ra nên việc chúng ta phản ứng sai với nó là điều hoàn toàn bình thường.

Khi nhắc đến sự kiện thiên nga đen, chúng ta sẽ hình dung ra đó là những sự kiện hiếm khi xảy ra nhưng lại có tác động to lớn đến kinh tế, xã hội, thị trường tài chính... Nó diễn ra một cách đầy bất ngờ và người ta khó có thể dự đoán khả năng xảy ra sự kiện. Hay trong lĩnh vực quản trị rủi ro, chúng ta có từ chuyên môn hơn là tail risk (rủi ro cực đoan). Nó cũng có ý nghĩa là những rủi ro có xác suất xảy ra cực thấp nên thường nằm ở đuôi của mô hình phân phối xác suất nhưng lại có tác động tiêu cực nghiêm trọng. Chính vì thế, những nhà quản lý luôn cố gắng xác định các sự kiện rủi ro này và ước lượng tác động của chúng nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa.

Tuy nhiên, không hẳn các sự kiện thiên nga đen đều khó đoán định vì nó sẽ luôn có một vài dấu hiệu sớm cho thấy điều đó. Sẽ luôn có những người hoặc tổ chức đứng lên và trấn an về những gì đang diễn ra; rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp. Nhưng do tính chất bất ngờ, chưa bao giờ hoặc ít khi xảy ra nên việc chúng ta phản ứng sai với nó là điều hoàn toàn bình thường.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 có thể xem là sự kiện thiên nga đen điển hình. Trước đó đã có một vài dấu hiệu về việc suy yếu khả năng thanh toán của người vay mua nhà và sự phụ thuộc quá mức vào bất động sản khiến ngân hàng này mất khả năng thanh toán nhanh chóng

Nhà đầu tư cần làm gì khi thiên nga đen có thể sắp xảy ra?
Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008

Hay gần đây nhất, tôi vẫn còn nhớ quãng thời gian cuối năm 2019 khi một vài ca nhiễm Covid 19 mới xuất hiện tại Trung Quốc (TQ); cả thế giới và ngay cả WHO không hề quan tâm đến nó vì cho rằng đây chỉ là bệnh cúm thông thường. Nhưng khi tốc độ lây lan chóng mặt gây nên tình trạng căng thẳng cho hệ thống y tế thì đã quá muộn. Mọi thứ diễn ra nhanh, bất ngờ và chưa bao giờ có trong tiền lệ đã khiến GDP toàn cầu và của các nền kinh tế lớn giảm ở mức 2 chữ số.

Vậy các rủi ro có thể khiến một sự kiện thiên nga đen xảy ra sắp tới là gì?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao nhất trong hơn 20 năm trở lại

Chính phủ là cơ quan uy tín nhất trong nền kinh tế; vậy nên, các khoản nợ của chính phủ (bằng đồng nội tệ) luôn được xem là không có rủi ro. Chính vì thế nên lợi suất nhận về từ các khoản vay của chính phủ sẽ là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay trên thị trường tài chính. Nó khiến cho doanh nghiệp, hộ gia đình và các chủ thể trong nền kinh tế phải đi vay với mức lãi suất cao hơn. Hiện lãi suất đi vay mua nhà cố định 30 năm của người Mỹ đạt 7.9% - mức cao nhất cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008 hay lãi suất thẻ tín dụng trung bình cũng đã đạt mốc kỷ lục - 24,45%.

Theo Bloomberg, tháng 10 này chứng kiến các quỹ phòng hộ tiếp tục bổ sung vị thế bán khống tương lai trái phiếu kho bạc lớn nhất lịch sử với 250 tỷ USD cho kỳ hạn 2 năm và 70 tỷ USD cho kỳ hạn 10 năm.

Có rất nhiều lý do khiến lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ đi lên trong thời gian gần đây. Đầu tiên là việc FED liên tục tăng lãi suất ngắn hạn suốt 18 tháng lợi suất (yield) của các trái phiếu kỳ hạn dài đi lên. Thứ 2, nợ của Mỹ bị các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín hạ bậc có thể khiến nhà đầu tư đòi hỏi mức phần bù rủi ro cao hơn từ chính phủ và các cá thể Mỹ. Ngoài ra, TPCP cũng là một mặt hàng bị tác động bởi yếu tố cung cầu. Việc chính phủ Mỹ thâm hụt kỷ lục 33.000 tỷ USD vào tháng 9/2023 và có thể sẽ phải tiếp tục phát hành 1.900 tỷ USD trong Q4/2023 khiến cung TPCP tăng lên khiến giá TPCP lại giảm làm yield tăng. Trong khi đó, phía bên cầu, những người mua nhiệt thành nhất là Fed, Trung Quốc, Nhật Bản, Arab Saudi ... lại đang hoặc tiềm năng trở thành bên bán.

Theo số liệu của Statista, Trung Quốc bắt đầu bán TPCP Mỹ từ đầu năm 2021 từ hơn 1.000 tỷ USD xuống chỉ còn 821,8 tỷ USD vào tháng 7/2023 và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn khi đối đầu Mỹ-Trung chưa thể sớm hạ nhiệt.

Còn Nhật Bản giảm từ 1.200 tỷ USD xuống 1112,5 tỷ USD và việc BoJ có thể xoay trục chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến việc mua TPCP Mỹ của quốc gia này.

Về phía Fed, bên cạnh nâng lãi suất thì công cụ điều tiết còn lại là đáo hạn trái phiếu không tái đầu tư. Kể từ khi bảng cân đối kế toán của Fed đạt đỉnh 8.945 tỷ USD vào tháng 5/2022; con số này chỉ còn 7.955 tỷ USD vào ngày 4/10/2023. Thực tế, các quỹ tiền tệ (money market funds) và quỹ hưu trí (retirement plans) đang là những người mua TPCP chính 2 quý vừa qua và nó có thể dẫn đến nguyên nhân phía dưới.

Khủng hoảng ở hệ thống ngân hàng Mỹ

Tháng 3/2023 chứng kiến sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn là: Silicon Valley Bank (SVB – Mỹ), Signature bank (SB – Mỹ) và Credit Suisse (CS – Thụy Sĩ). Mặc dù đó chưa phải là một sự kiện thiên nga đen nhưng chúng ta có thể thấy diễn biến xấu đi nhanh chóng thế nào chỉ trong 2 ngày cuối tuần tại thời điểm đó. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do đối tượng khách hàng đặc thù và tập trung của các ngân hàng rút tiền một cách ồ ạt trong khi phần lớn các khoản đầu tư của họ lại là TPCP Mỹ trong thời kỳ lãi suất thấp.

Khi lãi suất tăng khiến giá các loại trái phiếu giảm, khách hàng đến rút tiền và buộc các khoản đầu tư này phải chuyển từ trạng thái nắm giữ đến ngày đáo hạn (held to marturiy) thành avaiable for sale (sẵn sàng để bán) và ghi nhận khoản lỗ khổng lồ chiếm hết vốn chủ sở hữu.

Nhà đầu tư cần làm gì khi thiên nga đen có thể sắp xảy ra?

Tổng giá trị nợ đến hạn toàn cầu năm 2024. Nguồn: IMF

Khách hàng của SVB là các start-up đang cạn tiền mặt; nhưng cũng có một lượng lớn tiền đang đổ vào các quỹ tiền tệ (money market funds) để hưởng mức lãi suất cao hơn. Tính đến hết 26/7/2023, tổng tài sản của các quỹ tiền tệ đã tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD lên mốc 5.490 tỷ USD. Điều này khiến ngân hàng đối mặt với thách thức lớn khi phải nâng lãi suất tiền gửi nhằm giữ chân khách hàng hoặc buộc phải bán ra các loại tài sản nắm giữ. Đồng thời hạn chế cho vay để giữ lại lượng tiền mặt cần thiết khi khách hàng rút vốn và phòng ngừa rủi ro nợ xấu khi lãi suất tăng cao khiến người đi vay mất khả năng chi trả. Một chỉ số cho thấy sự chậm lại rõ ràng của điều này là cung tiền M2 của Mỹ giảm 5,73% kể từ đỉnh 22.050,8 tỷ USD vào ngày 18/4/2022.

Chi phí phải trả tăng cao

Theo quỹ tiền tệ quốc tế IMF, sẽ có khoảng 2.600 tỷ USD nợ doanh nghiệp Mỹ và tổng 5.500 tỷ USD trên toàn cầu đến hạn phải trả trong năm 2024. Trong khi các điều kiện đi vay từ ngân hàng đang thắt chặt như hiện tại thì việc đảo nợ (đi vay mới để trả nợ cũ) sẽ rất khó khăn, nhất là với những doanh nghiệp không chứng minh được dòng tiền ổn định. Kể cả khi đảo được nợ, điều này đồng nghĩa với việc các khoản vay mới sẽ có lãi suất cao hơn so với trước khiến gánh nặng chi phí gia tăng.

Những người vay mua nhà với lãi suất cố định 10 - 30 năm của Mỹ có thể sẽ chịu ít rủi ro hơn do chi phí lãi vay cố định. Nhưng với lãi suất vay mua nhà đạt kỷ lục, sự chậm lại của giá nhà và các giao dịch mới, nhu cầu của người mua mới cũng sẽ giảm theo là điều dễ hiểu.

Nhà đầu tư cần phải làm gì?

Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới (NHTW) hiện tại đã tạm hoãn việc tăng lãi suất để quan sát thêm dữ liệu. Mọi hành động của họ sẽ dựa trên số liệu hoặc ít nhất là kỳ vọng về lạm phát, thị trường lao động và tăng trưởng. Họ giờ đây có có kinh nghiệm qua các cuộc khủng hoảng và hành động một cách nhanh chóng.

IMF đã thống kê hết quý 2/2021 các nước chi 10,905 tỷ USD là các gói hỗ trợ tài khóa và 7,005 tỷ USD là các gói cứu trợ tiền tệ. Riêng Mỹ đã đưa các gói hỗ trợ tổng trị giá 5,838 tỷ USD trong đợt dịch Covid-19. Hay như khủng hoảng ngân hàng 3/2023, các ngân hàng trung ương đã đứng ra làm trung gian điều hành để các ngân hàng lớn mua lại, cứu các ngân hàng phá sản.

Có một điều chắc chắn rằng NHTW sẽ hành động thận trọng hơn và nếu có một cuộc suy thoái hoặc sự kiện thiên nga đen xảy ra thì họ cũng sẽ chùn tay trong việc cứu trợ nhằm tránh thúc đẩy lạm phát, các vấn đề về đạo đức, quản trị rủi ro.

Chúng ta cần đa dạng hóa danh mục vào các loại tài sản có khả năng chống chọi tốt như vàng, cổ phiếu phòng thủ, trái phiếu kỳ hạn hoặc tốt nhất là sử dụng các công cụ phái sinh để hedging (phòng ngừa rủi ro) biến động.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Giảng viên ĐH FPT