Nhà cung cấp màn hình cho Apple, Samsung chi 300 triệu USD xây nhà máy ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Cập nhật: 10:12 | 22/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn BOE - hãng sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc tính theo sản lượng, cũng là nhà cung cấp của cả Apple và Samsung, sẽ đầu tư khoảng 300 triệu USD để triển khai dự án thứ hai tại Việt Nam. Dự án này sẽ được đặt tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhà cung cấp màn hình cho Apple, Samsung chi 300 triệu USD xây nhà máy ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Tập đoàn BOE Group - nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc tính theo sản lượng sẽ đầu tư khoảng 300 triệu USD để triển khai dự án thứ hai tại Việt Nam

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn BOE có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn BOE đã thông tin về Dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam giai đoạn II của Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh – công ty con tại Việt Nam của Tập đoàn này.

Được biết, dự án dự kiến triển khai tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, có tổng mức đầu tư lên tới khoảng 300 triệu USD. Về quy mô, tổng diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 286.719,72m2, trong đó, giai đoạn 1 khoảng 154.296,42m2; giai đoạn 2 khoảng 132.423,3m2.

Mục tiêu của dự án là lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính (MNT) 7.000.000 chiếc/năm; lắp ráp và sản xuất tivi 3.000.000 chiếc/năm; sản xuất bảng giá điện tử (ESL) 40.000.000 chiếc/năm; sản xuất mô-đun bảng giá điện tử (ESL) 20.000.000 chiếc/năm; sản xuất cấu kiện nhựa 20.000.000 chiếc/năm; sản xuất bo mạch SMT 44.750.000 chiếc/năm...

Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động năm 2026, với nhu cầu lao động trong nước khoảng 3.300 đến 3.500 lao động và 35 đến 40 lao động nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ hoan nghênh Tập đoàn BOE đã quan tâm, lựa chọn Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là điểm đến đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để Nhà đầu thực hiện các thủ tục liên quan nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động trong thời gian sớm nhất; đồng thời giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Được biết, trước dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn BOE đã thành lập, hoàn thành và đang hoạt động nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, tỉnh Đồng Nai vào tháng 11/2019 với sản phẩm tivi, màn hình, bảng giá điện tử ESL và bo mạch SMT.

Với mục tiêu nhằm mở rộng thị trường sản xuất và đa dạng sản phẩm, Tập đoàn BOE thành lập dự án đầu tư thứ hai tại Việt Nam được thực hiện tại KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Còn nhớ, đầu năm 2023, Reuters đã từng thông tin về kế hoạch rót 400 triệu USD để xây 2 nhà máy ở Việt Nam của Tập đoàn BOE. Thời điểm đó, nhà sản xuất màn hình đến từ Trung Quốc được cho là đã đàm phán thuê hàng chục hecta đất tại miền Bắc.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn BOE (Beijing Oriental Electronics Group), tiền thân là Beijing Electron, được thành lập từ năm 1993, hiện là một trong những biểu tượng về tham vọng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Ít ai biết rằng, thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp này từng đứng trước bờ vực phá sản vì bị các đối thủ nước ngoài vượt trội về mặt công nghệ. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập Wang Dongsheng và sự hỗ trợ lớn tới từ chính quyền thành phố Bắc Kinh, Beijing Electron hồi sinh dưới tên gọi BOE Group và đến nay đã vươn lên thành nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc tính theo sản lượng.

Năm 1997 được xem là năm bản lề cho sự phát triển của BOE khi cổ phiếu của Tập đoàn này được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, bắt đầu cho việc mở rộng và phát triển trong những năm tiếp theo.

Liên tiếp trong 2 năm 2001 và 2003, Tập đoàn này đã mua lại các mảng kinh doanh STN-LCD và OLED (với giá 22,5 triệu USD) và màn hình phẳng Hydis (380 triệu USD) từ SK Kynix của Hàn Quốc, gia tăng vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất màn hình.

Một thập kỷ sau đó, vào các năm 2011 và 2012, Tập đoàn BOE lần lượt mở các trung tâm nghiên cứu tại Nhật Bản và Mỹ với tham vọng sẽ bứt phá nhờ những công nghệ mới trong tương lai.

Nhà sản xuất màn hình Trung Quốc trở thành đối tác của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước như Hisense, Huawei trước khi sản xuất màn hình cho LG (từ năm 2020 và Apple (2021).

Thời điểm hiện tại, Tập đoàn BOE chủ yếu sản xuất các màn hình LCD cho TV màn hình phẳng, màn hình máy tính cũng như điện thoại. Một trong những điểm mạnh của BOE là việc họ tập trung vào nghiên cứu nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao từ các đối tác, đặc biệt là Apple. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về vốn của chính quyền Bắc Kinh (với hơn 10% cổ phần), Tập đoàn này sở hữu nguồn lực dồi dào để đầu tư vào việc xây dựng, nghiên cứu và phát triển nhà máy mới.

Ông lớn Marubeni của Nhật Bản rót vốn vào nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm lớn nhất Việt Nam AIG

Deal Street Asia đưa tin, Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản đã rót vốn vào Công ty CP Nguyên liệu Á Châu AIG thông qua ...

Nhiều ông lớn Mỹ, Anh, Trung Quốc... muốn rót vốn vào Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư từ nhiều thị trường khác nhau như Anh, Mỹ, Nhật ...

Tỉnh “có lợi thế so sánh nhất Việt Nam hiện nay” đã đón 2,4 tỷ USD vốn FDI từ Nhật Bản

Thời gian tới, tỉnh này còn có thêm 4 nhà máy với quy mô 80 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thái Hà

Tin cũ hơn
Xem thêm