Nguyên nhân nào khiến giá vàng trong nước chênh cao hơn giá vàng thế giới?

Cập nhật: 15:55 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới lên tới hơn 18 triệu đồng/lượng, các chuyên gia đã đưa ra lý giải về vấn đề này nhưng cách nào để giải quyết vấn đề hiện vẫn chưa rõ.

Lạm phát Mỹ đạt đỉnh 40 năm, giá vàng diễn biến ra sao?

Giá vàng hôm nay 13/6/2022: Giá vàng đảo ngược 'tình thế'

Giá vàng hôm nay 12/6/2022: Chờ tín hiệu mới

Ghi nhận vào lúc 14h chiều ngày 13/6, giá vàng SJC tiếp tục giảm mạnh và có sự loạn giá giữa các doanh nghiệp. Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào 67,8 triệu đồng/lượng, bán ra 68,7 triệu đồng/lượng - giảm thêm 650.000 đồng/lượng so với đầu ngày và "bốc hơi" tới 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần qua.

Tập đoàn DOJI giao dịch giá vàng SJC mua vào 67,5 triệu đồng/lượng, bán ra 68,4 triệu đồng/lượng. Một số doanh nghiệp khác điều chỉnh giá vàng SJC về mức 68,35 triệu đồng/lượng, giảm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Đây là mức giảm rất mạnh của giá vàng SJC trong nhiều ngày qua.

5343-giavang3
Ảnh minh họa

Lý giải đà giảm mạnh của giá vàng SJC trong ngày 13/6, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng thị trường đang chịu ảnh hưởng tâm lý trước thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể chấn chỉnh tình trạng độc quyền vàng SJC sau khi các đại biểu Quốc hội chất vấn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại nghị trường.

"Do dung lượng thị trường vàng SJC không còn lớn như trước nên khi cung - cầu có sự thay đổi đáng kể sẽ tác động tới giá vàng. Trong hôm nay, thị trường ghi nhận nhu cầu bán vàng nhiều hơn, đẩy giá vàng SJC giảm mạnh. Những ngày tới, giá vàng SJC có thể sẽ có sự thay đổi đáng kể về mặt chênh lệch so với giá vàng thế giới" – ông Trần Duy Phương phân tích.

Vấn đề độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia, chênh lệch giá vàng cao kỷ lục... cũng vừa làm nóng nghị trường Quốc hội tuần qua khi nhiều đại biểu thay nhau chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Nội dung chất vấn cũng thu hút dư luận bởi đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được cơ quan quản lý giải thích rõ ràng.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 52,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trên 16 triệu đồng/lượng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với hôm qua.

Thị trường vàng trong nước bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các DN.

Hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khi quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ và chưa tính thuế, phí là khoảng 15 triệu đồng/lượng, nhưng cũng có lúc “phi vọt” lên mức chênh lệch kỷ lục gần 20 triệu đồng/lượng. Trong không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới.

Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, nhu cầu vàng trang sức tăng 11%. Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp thì giá cả tăng cao là chuyện đương nhiên.

Giám đốc một doanh nghiệp cũng cho rằng, NHNN không cho phép nhập vàng nguyên liệu nên mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Điều này khiến người dân trong nước phải mua vàng với giá rất cao. Trong khi đó, các loại vàng nhẫn có nguồn cung dồi dào hơn nên giá không tăng quá cao so với giá thế giới, thậm chí ở ngay cả những thời điểm nhu cầu tăng. Vì vậy, giá vàng nhẫn trong nước bám khá sát với giá vàng thế giới.

Về diễn biến thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng trên thị trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và rất khó lường. Giá vàng chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD, căng thẳng chính trị Ukraine - Nga, một loạt sự kiện về thương mại, về chính trị khác.

Phân tích những nguyên nhân, NHNN nhận thấy giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, về cơ bản, chênh lệch giá vàng trong nước so với quốc tế thì chênh vào khoảng 2 triệu đồng một lượng. Nhưng riêng có giá vàng SJC tăng ở mức lớn, có khoảng 16-17 triệu trên một lượng.

Nguyên nhân thứ nhất: Thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 triển khai Nghị định số 24, đặc biệt từ năm 2014 lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, như vậy nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm có thể do một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Nguyên nhân thứ hai: Với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, người ta niêm yết giá cũng rất lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. SJC là một thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn cả, cho nên họ niêm yết giá cao.

Liên quan đến chênh lệch giá vàng SJC, Thống đốc cho hay, với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề vàng, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để can thiệp nếu cần thiết.

Tuy nhiên, thời gian qua, qua tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, NHNN nhận thấy người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều.

"Chúng tôi thấy có số liệu là bán ròng, có nghĩa khi giá càng cao thì nhiều người dân mang đi bán để lấy Việt Nam đồng. NHNN chưa nhập khẩu về để can thiệp vàng nhưng chúng tôi đã xây dựng phương án, trong trường hợp cần thiết thì sẽ thực hiện. Bởi khi nhập khẩu vàng, chúng tôi cũng sử dụng dự trữ ngoại hối của quốc gia. Với nhu cầu thị trường hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa triển khai giải pháp này", Thống đốc nói.

Thu Uyên (Tổng hợp)