Mô hình mới

Người nông dân Bến Lức đổi đời nhờ loại quả "chua nhói lưỡi", mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng

Ngọc Linh 25/04/2025 15:07

Nhờ áp dụng công nghệ cao vào canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhiều nông dân Bến Lức thu về lợi nhuận đến 200 triệu đồng/ha/năm.

Cây trồng chiến lược giúp nông dân nâng cao thu nhập

Tại xã Lương Bình (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), anh Trần Hữu Thạch – một nông dân ở ấp 5 đã mạnh dạn chuyển đổi 4ha đất trồng chanh sang mô hình ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững, tiết kiệm nước và phân bón, vườn chanh của anh không chỉ đạt năng suất ổn định mà còn giúp tối ưu chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống.

Vườn chanh ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Trần Hữu Thạch (xã Lương Bình, huyện Bến Lức)
Vườn chanh ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Trần Hữu Thạch (Ảnh: Báo Long An)

Theo anh Thạch, Công ty Fruit Republic Cần Thơ đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 21.000 đồng/kg – cao hơn mức thu mua thị trường (18.000 đồng/kg). Đặc biệt, nếu chanh đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu, gia đình còn được cộng thêm tiền hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học và quy trình GlobalGAP, nâng giá bán lên 23.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi hecta mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Tư duy sản xuất mới mở đường ra thị trường quốc tế

Việc trồng chanh theo tiêu chuẩn GAP không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần định hình thương hiệu nông sản địa phương. Nhiều vùng trồng chanh đạt chuẩn tại Bến Lức hiện đã đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu – thị trường vốn yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Bình, ông Nguyễn Phú Quí, nhận định: “Ứng dụng công nghệ cao vào canh tác chanh không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Hạ tầng và chính sách hỗ trợ đồng hành cùng nông dân

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Bến Lức đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hạ tầng cho vùng trồng chanh. Đến nay, huyện đã thực hiện 10 cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên 160ha chanh tại 6 xã, với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng; xây dựng 27 mô hình tưới tiết kiệm trị giá 748 triệu đồng; đồng thời cấp giống chanh mới cho 318ha với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn huyện đã huy động cho các hoạt động trên lên đến hơn 4,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện còn đầu tư gần 38 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn để nạo vét kênh mương, sửa chữa cầu đường, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

Những chính sách này đang tạo ra sự lan tỏa tích cực, giúp bà con nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường xuất khẩu.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Người nông dân Bến Lức đổi đời nhờ loại quả "chua nhói lưỡi", mỗi năm kiếm cả trăm triệu đồng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO