Ngỡ ngàng một cổ phiếu ròng rã tăng bảy phiên kịch trần, thị giá gấp vài lần từ đáy, nhưng vẫn dưới mức "trà đá"

Cập nhật: 16:55 | 01/06/2023 Theo dõi KTCK trên

Trở lại sàn giao dịch từ ngày 25/5, cổ phiếu KVC liên tục chứng kiến những phiên tăng trần, kéo thị giá tăng "thần tốc" gấp 2,5 lần sau hơn chục ngày. Tuy nhiên, với 2.700 đồng/cổ phiếu, thị trường đến nay vẫn định giá KVC ở dưới mức "trà đá".

Ngỡ ngàng một cổ phiếu ròng rã tăng bảy phiên kịch trần, thị giá gấp vài lần từ đáy, nhưng vẫn dưới mức

Cùng ngày trở về sàn giao dịch chứng khoán (25/5/2023), KVC công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều kế hoạch đầy tham vọng.

Ngày 16/5/2023, 49,5 triệu cổ phiếu KVC của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ ngậm ngùi rời sàn chứng khoán HNX sau nhận án phạt hủy niêm yết từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), do tình hình sản xuất kinh doanh 3 năm gần nhất đều thua lỗ (2020-2022), thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán.

Trước đó, mã này còn có thời gian dài nằm trong diện bị cảnh báo, vì những khoản lỗ lũy kế không thể vá lấp từ năm 2020 đến 2022. Theo giải trình từ phía KVC cho năm 2022, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lúc này mặc dù được cải thiện hơn năm 2021 nhưng vẫn hết sức khó khăn.

Theo đó, doanh thu cả năm 2022 đạt 229 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021; song cuối năm vẫn lỗ ròng 12 tỷ đồng, bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, các cuộc chiến tranh thế giới dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động thất thường.

Giá bán không đủ bù đắp giá vốn là nguyên nhân làm lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị lỗ. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh thép trong năm 2022, theo giải trình của KVC...

Thực tế, KVC là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khá "nhạt nhòa", phản ánh qua việc gần 7 năm nay (từ tháng 10/2016) giá cổ phiếu không thể về mệnh (10.000 đồng/cp), kể cả trong những thời điểm thị trường chứng khoán "thăng hoa" nhất.

Cổ phiếu KVC trượt dài từ tháng 3/2022 theo đà giảm chung của toàn thị trường, "miệt mài" dò đáy, có thời điểm giảm còn 1.000 đồng/cp (tháng 11/2022). Sang năm 2023, nhìn chung tình trạng "cắm đầu" của KVC không có gì cải thiện hơn, vài tuần trước khi rời sàn HNX thường đứng giá ở mức 1.000 - 1.200 đồng/cp.

Ngỡ ngàng một cổ phiếu ròng rã tăng bảy phiên kịch trần, thị giá gấp vài lần từ đáy, nhưng vẫn dưới mức
Cổ phiếu KVC tăng như "vũ bão" trong hai tuần trở lại đây.

Tuy nhiên, từ khi trở lại sàn giao dịch chứng khoán UPCoM từ ngày 25/5, KVC liên tục chứng kiến những phiên tăng trần, kéo thị giá tăng "thần tốc" gấp 2,5 lần sau hơn chục ngày. Đặc biệt, ở phiên giao dịch đầu tiên (25/5), cổ phiếu KVC tăng "sốc" đến 38% lên 1.800 đồng/cp, với khối lượng khớp lệnh đến 5,7 triệu đơn vị, tương đương 11,5% cổ phiếu đang lưu hành.

Dù vậy, với 2.700 đồng/cổ phiếu (khép phiên 1/6), thị trường đến nay vẫn định giá KVC ở mức dưới "cốc trà đá".

Việc cổ phiếu kịch trần liên tiếp buộc ban lãnh đạo KVC phải có giải trình trước UBCKNN và HNX theo quy định. Tương tự nhiều doanh nghiệp khác đã làm, KVC "tung" báo cáo "văn mẫu" như sau:

"Nguyên nhân cổ phiếu KVC có chuỗi 5 phiên tăng trần liên tiếp là do nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, dẫn đến nhu cầu thực tế trên thị trường chứng khoán tăng cao. Phía doanh nghiệp khẳng định, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu KVC nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và đơn vị này không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường", theo giải trình của KVC.

Kế hoạch lớn

Cùng ngày trở về sàn giao dịch chứng khoán (25/5), KVC công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều kế hoạch đầy tham vọng.

Theo đó, dự đoán ngành thép đang dần phục hồi, doanh nghiệp lên kế hoạch có lãi trở lại với 5,6 tỷ đồng sau khi trừ thuế. Kế hoạch doanh thu của KVC ở mức 240 tỷ đồng, chỉ tăng 5% so với thực hiện năm ngoái.

Để thực hiện mục tiêu kinh doanh này, Inox Kim Vĩ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra từ năm trước nhưng chưa thể hoàn thành do còn nhiều khó khăn trong năm 2022.

Các giải pháp này bao gồm: tận dụng lợi thế hạ tầng bằng cách cho thuê kho xưởng và đất trồng đã cho thuê nhà xưởng 1 phần để khai thác nguồn thu; tiết giảm chi phí quản lý và bán hàng và logistics, thuê các nhà thầu vận tải bên ngoài...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực tiết giảm chi phí lãi vay, dự kiến giảm dư nợ xuống còn 95 tỷ đồng vào quý III/2023.

Trên thực tế, kỳ kinh doanh 3 tháng đầu năm 2023 của Kim Vĩ ghi nhận những kết quả tích cực. Theo báo cáo tài chính quý I/2023, doanh nghiệp này đạt 71 tỷ doanh thu, tăng 29% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 97% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,7 tỷ đồng.

Đây có thể được xem là bước khởi đầu khả quan cho kế hoạch xoá lỗ của doanh nghiệp này.

Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ tiền thân là Cơ sở sản xuất thép Kim Vĩ, được thành lập năm 1989. Năm 2008, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hình thức công ty cổ phần, với số vốn điều lệ ban đầu là 16 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty là: sản xuất, kinh doanh inox; gia công cơ khí, xử lý và phủ tráng kim loại; bán buôn kim loại và quặng kim loại; bán buôn ô-tô và xe có động cơ khác; kinh doanh bất động sản...

Tháng 12/2014, Kim Vĩ đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Chưa đầy nửa năm sau, vào ngày 14/4/2015, cổ phiếu KVC chính thức được giao dịch trên HNX.

Thái Hà

Tin cũ hơn
Xem thêm