Nghỉ ra khơi mò mẫm, người dân Khánh Hòa mở mô hình 4.0 giữa biển, kỳ vọng sinh lời trăm triệu mỗi vụ
Mô hình công nghệ cao ở vùng biển Hòn Nội đang mở ra hướng đi mới cho người dân Khánh Hòa, hướng đến thu nhập ổn định hơn.
Hộ dân đầu tiên đưa cá ra vùng biển 6 hải lý
Tại vùng biển Hòn Nội (Cam Lâm, Khánh Hòa), cách bờ tới 6 hải lý, một mô hình nuôi biển công nghệ cao đang được triển khai thí điểm và bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Hộ dân đầu tiên tham gia là gia đình ông Võ Lâm Đồng và bà Lương Thị Kim Thoa, với 2.000 con cá chim vây vàng được thả trong lồng vuông – loại lồng được thiết kế chuyên biệt cho giai đoạn ương giống.

Là người có truyền thống làm nghề biển, ông Đồng cho biết gia đình ông chủ động tìm hiểu các mô hình nuôi biển tiên tiến từng áp dụng thành công ở vịnh Vân Phong và xã Cam Lập (TP. Cam Ranh). Khi huyện Cam Lâm triển khai mô hình nuôi biển công nghệ cao, được Quỹ Thiện tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ, ông đã mạnh dạn tham gia. Dự kiến trong đợt tiếp theo, ông sẽ tiếp tục đưa thêm 5.000 con giống ra vùng nuôi.
Mô hình này không chỉ khác biệt ở vị trí nuôi ngoài xa, mà còn ở chính thiết kế kỹ thuật. Những lồng tròn thể tích lên tới 800 m³, kết cấu bằng vật liệu HDPE bền chắc, có khả năng chống chịu sóng gió mạnh và phù hợp với điều kiện biển xa bờ. Toàn bộ hệ thống lồng được trang bị các thiết bị quan trắc môi trường, định vị GPS, camera giám sát, giúp người nuôi theo dõi và điều hành từ xa thông qua điện thoại thông minh.
Không giống những hình ảnh bè gỗ, phao xốp quen thuộc ven bờ, vùng biển Hòn Nội hiện lên như một “trang trại nổi” hiện đại. Đã có hơn 20 lồng tròn, 16 lồng vuông được hạ thủy. Mỗi kết cấu đều được gia cố với hệ thống neo chắc chắn, có khả năng chống bão. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, cá giống được đưa ra nuôi thương phẩm ở khoảng cách xa tới 6 hải lý – một bước đi đột phá trong phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Kỳ vọng từ mô hình thí điểm và bài toán chính sách
Cùng với gia đình ông Đồng, hiện đã có hơn 10 hộ dân ở TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm tham gia mô hình nuôi biển xa bờ, bao gồm cả nuôi cá chim, cá hồng và tôm hùm. Nhiều hộ đã hoàn tất lắp đặt lồng, sẵn sàng hạ thủy. Một số khác cũng bắt đầu ương giống ở gần bờ, chờ đến giai đoạn thích hợp sẽ chuyển ra biển xa.

Việc triển khai mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Hòn Nội nằm trong kế hoạch mở rộng vùng nuôi biển của tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, mô hình tương tự đã thành công tại Cam Lập, khu vực biển hở. Trong năm 2025, Quỹ Thiện tâm tiếp tục hỗ trợ thêm 70 hộ dân ở các địa phương ven biển tham gia, đưa tổng diện tích vùng nuôi ra ngoài giới hạn 3 hải lý, hướng đến quy mô công nghiệp và bền vững.
Ngoài vùng Hòn Nội, tỉnh còn đang hình thành các mô hình nuôi lồng kết hợp du lịch ở Đầm Bấy, và mở rộng ra thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh. Đây là một phần trong Đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao, đặt mục tiêu đưa Khánh Hòa thành trung tâm nuôi trồng thủy sản hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, người dân cũng cần thêm hỗ trợ cụ thể về hạ tầng, bảo hiểm lao động, cấp phép nuôi trồng và phương tiện vận chuyển. Ông Đồng chia sẻ, vùng Hòn Nội cách xa bờ, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân mong muốn được xây dựng bến đò dân sinh và cấp phép mặt nước lâu dài để đảm bảo ổn định sản xuất.
Tăng tốc chính sách, đồng hành cùng người nuôi
Trước yêu cầu thực tiễn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa đã chủ động tham mưu nhiều cơ chế hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh đang xây dựng tiêu chuẩn phân loại lồng nuôi theo cấp độ công nghệ, khả năng chịu bão, quy mô nuôi và đặc điểm vùng biển. Ngoài ra, các chính sách chuyển đổi lồng gỗ sang vật liệu mới, mua bảo hiểm tai nạn cho lao động, hay cấp phép mặt nước được triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh – Phó Giám đốc Sở, riêng với vùng Hòn Nội, Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan rút ngắn thời gian cấp phép sử dụng mặt nước tới 50%. Quỹ Thiện tâm cũng cam kết hỗ trợ tàu lớn vận chuyển người và hàng hóa từ đất liền ra vùng nuôi, đảm bảo tính liên kết và khả năng vận hành mô hình trong điều kiện thực tế.