Chính sách - Đầu tư

Ngay sau sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa mang đến một tin tức vô cùng tốt, sẵn sàng bứt tốc ngay lập tức

Nguyễn Trang 09/07/2025 17:00

Tỉnh Thanh Hóa đang có những con số thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau sự kiện sáp nhập hành chính.

Sáp nhập mở ra không gian phát triển mới cho Thanh Hóa

Sau khi thực hiện sáp nhập xã, phường một cách đồng bộ trong thời gian gần đây, Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ. Nửa đầu năm 2025, địa phương này tiếp tục chứng kiến những tín hiệu tích cực từ hoạt động thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp.

Thanh Hóa mới
Thanh Hóa đang bước từng bước vững chắc trên con đường hướng tới cực tăng trưởng mới

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 61 dự án với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 17.875 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, có 56 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn hơn 12.900 tỷ đồng, và 5 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có tổng vốn đăng ký gần 199 triệu USD (tương đương 4.971 tỷ đồng).

Việc đẩy mạnh cải cách hành chính và mở rộng không gian phát triển sau sáp nhập đã tạo điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa thu hút dòng vốn quy mô lớn vào các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là thương mại – dịch vụ và hạ tầng.

Thương mại – dịch vụ và hạ tầng: Tâm điểm hút vốn đầu tư

Thống kê cho thấy, lĩnh vực thương mại – dịch vụ dẫn đầu về số vốn đầu tư với 17 dự án, tổng vốn đăng ký 9.871,8 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng vốn. Đây được xem là hướng đi chiến lược của Thanh Hóa trong bối cảnh tỉnh ngày càng hội nhập sâu rộng và đón đầu làn sóng dịch chuyển dòng vốn hậu COVID-19.

AEON Mall Thanh Hóa
Dự án AEON Mall Thanh Hóa đã tiến hành xây dựng và sẽ có thể khai trương vào cuối năm 2026 (Ảnh minh họa)

Lĩnh vực hạ tầng dù chỉ có 3 dự án nhưng thu hút tới 4.486 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,4%, nhờ sự xuất hiện của các dự án trọng điểm như hạ tầng Khu công nghiệp Thăng Long Thanh Hóa giai đoạn 1 (hơn 115 triệu USD), và KCN WHA Smart Technology 2 (58 triệu USD).

Lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng có đóng góp đáng kể với 27 dự án, tổng vốn hơn 5.400 tỷ đồng (gồm cả vốn USD quy đổi). Một số dự án lớn có thể kể đến như Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Minh Danh Nghi Sơn (910 tỷ đồng) hay Khu dịch vụ – cáp treo Am Tiên (2.969 tỷ đồng).

Các lĩnh vực khác như khai khoáng và nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 3%) nhưng vẫn ghi nhận sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Môi trường kinh doanh cải thiện, doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh

Song song với thu hút vốn đầu tư, Thanh Hóa cũng ghi nhận chuyển biến tích cực trong hoạt động khởi sự doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm, toàn tỉnh có 1.725 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 57,5% kế hoạch năm, tăng 12,3% so với cùng kỳ và xếp thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp mới.

Tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.354 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 442, trong khi 203 doanh nghiệp giải thể, tăng 52,6%. Những con số này phản ánh rõ rệt sức sống của khu vực kinh tế tư nhân tại Thanh Hóa đang được phục hồi và tiếp thêm động lực sau khi địa phương thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính.

Cùng với đó, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu giải quyết đúng hạn trên 98% hồ sơ trong năm 2025. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền các cơ quan nhà nước.

Với những động lực từ sáp nhập và chính sách hỗ trợ đầu tư quyết liệt, Thanh Hóa kỳ vọng huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2025 đạt trên 140.000 tỷ đồng, khẳng định vai trò là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ công nghiệp – dịch vụ khu vực miền Trung.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Ngay sau sáp nhập, tỉnh Thanh Hóa mang đến một tin tức vô cùng tốt, sẵn sàng bứt tốc ngay lập tức
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO