Ngành thép hi vọng lực kéo từ Hòa Phát (HPG)

Cập nhật: 10:43 | 04/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Mặc dù vẫn còn một số cái tên chưa thoát lỗ nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thép trong quý 1 đều đã cải thiện so với quý trước. Câu chuyện có lãi trở lại trong quý I/2023 của Hòa Phát (HPG) - doanh nghiệp đầu ngành thép sau 2 quý lỗ lớn trước đó, đem đến cho nhà đầu tư kỳ vọng về sự hồi phục của toàn ngành.

Trước kỳ nghỉ lẽ dài ngày, VN-Index đã có một tuần giao dịch (từ 24-28/4) khá sôi động với mức khớp lệnh trung bình của HOSE trên 480 triệu đơn vị/phiên cải thiện nhẹ so với mức 460 triệu đơn vị/phiên của tuần trước cùng với mức tăng 6 điểm, tương đương 0,6% so với tuần trước đó.

Trong tuần VN-Index đã có diễn biến giảm điểm trong hai phiên đầu tuần, khi về hỗ trợ 1.030 chỉ số đã bắt đầu diễn biến hồi phục và chốt tuần tại 1.049,12. Diễn biến tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt đà tăng của VN-Index tuần này, nhóm này có đến 7/10 đại diện trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng VN-Index, bao gồm VCB, VPB, TCB, TPB, MBB, SSB và CTG.

Ngành thép hi vọng lực kéo từ Hòa Phát (HPG)
Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỷ quý trước.

Cổ phiếu HPG đứng thứ hai trong Top 10 cùng với mức tăng 4,6% và giúp VN-Index tăng 1,45 điểm.

Nhìn rộng ra, trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 933.600 tỷ đồng, tương ứng với mức bình quân 11.818 tỷ đồng mỗi phiên. So với cùng kỳ năm 2022, thanh khoản thị trường 4 tháng qua giảm tới 60%.

Tổng giá trị giao dịch của khối ngoại là 189.568 tỷ đồng, chỉ giảm 35% so với 4 tháng đầu năm ngoái. Do đi xuống chậm hơn nên tỷ trọng giao dịch của khối ngoại so với thanh khoản toàn thị trường tăng từ 6,3% trong 4 tháng đầu 2022 lên 10,2% trong 4 tháng đầu năm nay.

Trong đó, tổng giá trị khối ngoại mua vào là 97.532 tỷ đồng, giá trị bán ra là 92.036 tỷ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5.496 tỷ đồng trong 4 tháng vừa qua, trái ngược với giá trị bán ròng 2.541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từng là cái tên bị khối ngoại “xả” mạnh nhất trong thời gian dài lại trở thành tâm điểm mua ròng với giá trị 2.678 tỷ đồng.

Trong những năm trước, cổ phiếu HPG vẫn được biết đến là cái tên quen thuộc trong danh sách các cổ phiếu bị xả mạnh bởi khối ngoại. Đặc biệt trong năm 2021, cổ phiếu đầu ngành thép bị bán ròng gần 19.000 tỷ đồng. Xu hướng này kéo dài cho đến quá nửa đầu năm 2022 trước khi có dấu hiệu đảo chiều.

Một cổ phiếu ngành thép khác là mã HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng bất ngờ lọt top 3 cổ phiếu được gom mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2023, với tổng giá trị đạt 900 tỷ đồng.

Không nằm ngoài nhận định “giai đoạn khó khăn nhất đã qua” của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, bức tranh kinh doanh của ngành thép đã xuất hiện những điểm sáng sau 2 quý “thê thảm” liên tiếp. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỷ đồng, dù còn khá khiêm tốn nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức âm 4.700 tỷ quý trước.

Mặc dù vẫn còn một số cái tên chưa thoát lỗ nhưng nhìn chung lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thép trong quý 1 đều đã cải thiện so với quý trước. Đáng chú ý phải kể đến việc Tập đoàn Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, với tâm điểm là khoản lợi nhuận đã dương trở lại sau giai đoạn nửa cuối năm 2022 "bão tố".

Cụ thể, trong ba tháng đầu năm, mặc dù doanh thu giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 25.865 tỷ đồng; song khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt hơn 380 tỷ đồng, chính thức chấm dứt mạch thua lỗ xảy ra từ quý III/2022.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, khoản lợi nhuận trên không thấm tháp vào đâu, khi chỉ bằng 4,6% kết quả thực hiện của quý I/2022.

Hòa Phát cho biết, quý này, lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.

Sau 2 quý lỗ tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng đã có lãi trở lại. Quý 2 niên độ tài chính 2022-2023 (1/1/2023 - 31/3/2023), HSG ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.981 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, tăng 7%. Nửa cuối năm 2022, doanh nghiệp này đều lỗ ròng hàng trăm tỷ mỗi quý.

Trong khi đó, Vnsteel (TVN) và Thép SMC (SMC) cũng đều đã có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng nhưng lợi nhuận vẫn còn rất thấp so với cùng kỳ. Trong quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vnsteel giảm 65% xuống còn 68 tỷ đồng trong khi SMC cũng báo lãi giảm 74% xuống còn gần 21 tỷ đồng.

Dù lỗ quý thứ 3 liên tiếp nhưng Thép Nam Kim (NKG) và Pomina (POM) cũng đã có những tín hiệu khởi sắc hơn. Trong quý đầu năm, NKG không còn kinh doanh dưới giá vốn, lãi gộp đạt 138 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, NKG lỗ ròng 49 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với 2 quý trước. Tương tự, mức lỗ 187 tỷ trong quý 1 của POM cũng thấp hơn nhiều so với số lỗ 461 tỷ của quý 4 và 716 tỷ của quý 3 năm ngoái.

Ngành thép hi vọng lực kéo từ Hòa Phát (HPG)

Nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định

Lợi nhuận cải thiện nhưng nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn là vấn đề đau đầu với các nhà sản xuất thép. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm trong quý 1/2023 đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự phục hồi lợi nhuận chủ yếu đến từ xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm. Theo dữ liệu từ tradingeconomics, giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc vào giữa tháng 3 đã leo lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. So với thời điểm chạm đáy 2 năm vào cuối tháng 10 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã tăng gần 26%.

Tuy nhiên, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái trong khi giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm đến 1 triệu đồng/tấn trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Theo VSA, giá thép xây dựng giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định, các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thép thế giới đã không diễn ra như mong đợi.

“Giá nguyên liệu sản xuất thép giảm là lý do để các doanh nghiệp sản xuất thép điều chỉnh giảm giá bán thép thành phẩm cho phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm nữa”, VSA nhận định.

Nhận định về thị trường thép trong năm 2023, bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành thép sẽ có tăng trưởng dương về mặt lợi nhuận trong năm nay bởi trong năm vừa qua, ngành thép có nền thấp khi những ngân hàng, xuất nhập khẩu... có mức lợi nhuận rất cao.

"Nếu nhìn sâu vào từng doanh nghiệp trong ngành thép, những yếu tổ tích cực trong ngắn hạn rất ít, đi kèm với rủi ro nhiều hơn... Ở thời điểm hiện tại, thị trường xuất khẩu đang gặp khó, có một vài điểm sáng tại các thị trường như Mỹ - có triển vọng tốt hơn châu Âu; trong khối ASEAN xuất khẩu sang Indonesia tốt hơn Thái Lan hay Singapore", bà Khánh Hiền cho hay.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, với doanh nghiệp có thể linh hoạt dịch chuyển thị phần hướng đến những thị trường tốt sẽ nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên, một vấn đề phải đối mặt đó là không phải doanh nghiệp nào cũng nhanh chóng giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao vẫn còn tại các nhà máy.

Hiện tại, 60% sản lượng thép dùng cho mảng xây dựng dân dụng trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 9% trong năm 2023. Hầu hết các tổ chức dự báo giá thép giảm 3% so với năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc đối với các dự án đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm đến điểm cân bằng”, bà Khánh Hiền nói.

Dòng tiền vẫn chưa tìm đến cổ phiếu ngân hàng dù kế hoạch tăng trưởng mạnh

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, FiinTrade cho rằng, những diễn biến bất lợi gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp ...

"Cá mập” Pyn Elite Fund: Cơ hội mua được cổ phiếu tốt trong danh mục đầu tư với giá rẻ

Trong cuộc gặp gỡ mới đây với nhà đầu tư, ông Petri Deryng đưa ra góc nhìn tích cực rằng: "Kết quả của một năm ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 4/5/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin gửi đến quý độc giả các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày ...

Quỳnh Nga