Ngành tạo ra nhiều tỷ phú USD nhất năm 2022 thuộc về lĩnh vực nào?

Cập nhật: 07:15 | 17/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo Forbes, tổng tài sản của 2.668 tỷ phú trong danh sách năm 2022 ước đạt 12.700 tỷ USD, thấp hơn 400 tỷ USD so với năm ngoái. Các tỷ phú USD hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, song vẫn có một số ngành nghề nổi trội hơn cả, tạo ra nhiều tỷ phú hơn những ngành khác.

Năm nay, ngành tạo ra nhiều tỷ phú nhất là tài chính và đầu tư với 393 tỷ phú, chiếm gần 15% số lượng danh sách. Con số này tăng so với mức 371 người trong năm 2021. Lĩnh vực tài chính và đầu tư bao gồm quỹ đầu cơ và các ông trùm cổ phần tư nhân, chủ ngân hàng truyền thống và nhà sáng lập fintech, các nhà quản lý tiền tệ, các nhà đầu tư mạo hiểm và các tỷ phú đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

3049-ty-phu-usd
Các tỷ phú USD năm 2022

Các tỷ phú USD hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, song vẫn có một số ngành nghề nổi trội hơn cả, tạo ra nhiều tỷ phú hơn những ngành khác.

Người giàu nhất trong ngành này là huyền thoại tài chính Warren Buffett, CEO Berkshire Hathaway. Hiện Buffett sở hữu khối tài sản ròng trị giá 118 tỷ USD, tăng hơn 22 tỷ USD so với năm ngoái, và là người giàu thứ 5 trên thế giới.

Bên cạnh Warren Buffett, những tỷ phú khác cũng đang giàu lên trong ngành ngày có thể kể đến như Changpeng Zhao - CEO Binance - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Ông đang giữ vị trí người giàu thứ 2 trong lĩnh vực này với khối tài sản ròng trị giá 65 tỷ USD.

Đuổi sát số lượng tỷ phú lĩnh vực tài chính, đầu tư là ngành sản xuất với tổng cộng 337 tỷ phú. Bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp với hàng hóa không giảm, qua đó giúp lĩnh vực sản xuất có thêm 36 tỷ phú mới.

Có thể kể đến tên của những tỷ phú nổi bật trong lĩnh vực này như Isabella Seragnoli - người kế thừa và điều hành công ty đóng gói Coesia, chuyên sản xuất bao bì cho các sản phẩm từ thuốc lá đến mỹ phẩm; Vivek Jain của Ấn Độ, đang sở hữu công ty Gujarat Fluorochemicals chuyên sản xuất hóa chất và khí công nghiệp.

Năm nay, tổng giá trị tài sản của 332 tỷ phú công nghệ trong danh sách Forbes công bố vào khoảng 2.100 tỷ USD, ít hơn 400 tỷ USD so với năm 2021. Mặc dù tổng giá trị tài sản giảm, những tỷ phú công nghệ vẫn là người giàu bậc nhất thế giới khi ông chủ của Big Tech như Apple, Google, Oracle,… đều có mặt trong top 10.

Đáng chú ý, năm nay Forbes xếp ông chủ của những ứng dụng lớn như Facebook, Instagram, Pinterest, Snapchat và TikTok sang lĩnh vực truyền thông và giải trí thay vì lĩnh vực công nghệ như những năm trước.

Ở lĩnh vực công nghệ, có thêm 38 tỷ phú mới gia nhập danh sách. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như Melanie Perkins và Cliff Obrecht, người đồng sáng lập công ty phần mềm thiết kế đồ họa Canva hay Tang Xiao’ou, người sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime của Trung Quốc.

Ngành bán lẻ cũng đóng góp nhiều tỷ phú với 250 người làm giàu từ nhiều loại hình kinh doanh, bao gồm thương hiệu cao cấp, công ty quần áo thể thao và chuỗi cửa hàng tạp hóa. Người đứng đầu lĩnh vực này vẫn là "ông trùm hàng hiệu" Bernard Arnault với giá trị khối tài sản ròng ước tính lên tới 158 tỷ USD.

Một trong những người mới gia nhập ngành thời trang khác là Zhang Congyuan - Chủ tịch công ty Huali Industrial Group, một nhà sản xuất theo hợp đồng giày thể thao. Falguni Nayar, người phụ nữ tự thân giàu nhất Ấn Độ, cũng gia nhập danh sách này với khối tài sản ròng ước đạt 4,5 tỷ USD.

Chăm sóc sức khỏe "góp sức" với 217 tỷ phú. Đáng chú ý, Jeff Tangney là tỷ phú mới với khối tài sản ròng trị giá khoảng 2,4 tỷ USD. Thành công này đến với Jeff sau quyết định thành lập một nền tảng xã hội dành cho các bác sĩ - Doximity - được IPO vào tháng 6/2021.

Anh em Dilip và Anand Surana của Ấn Độ cũng ghi tên vào bản danh sách chăm sóc sức khỏe khi điều hành nhà sản xuất thuốc Micro Labs, cung cấp thuốc điều trị đau tim và giảm đau cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương.

Ở lĩnh vực đa ngành, tỷ phú người Ấn Độ dẫn đầu bảng xếp hạng với 180 người khác cùng khối tài sản ròng lên tới 90,7 tỷ USD. Nhỉnh hơn một chút về số lượng tỷ phú là lĩnh vực bất động sản với 193 người. Hiện Lee Shau Kee - nhà sáng lập tập đoàn bất động sản Henderson Land hàng đầu tại Hong Kong là người giàu nhất trong lĩnh vực này với 32,6 tỷ USD.

Ở lĩnh vực năng lượng, Tỷ phú Robin Zeng sở hữu tài sản ròng 28,4 tỷ USD, là người sáng lập, chủ tịch công ty sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới Contemporary Amperex Technology (CATL) với khách hàng lớn là các hãng xe BMW, Volkswagen và Geely.

Ở truyền thông giải trí, tỷ phú Michael Bloomberg là người đồng sáng lập công ty truyền thông và thông tin tài chính Bloomberg LP. Sở hữu tài sản 59 tỷ USD, ông từng chi gần 1 tỷ USD ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 nhưng sau đó rút lui.

Những lần “liều ăn nhiều” của các tỷ phú giàu nhất thế giới

Sự liều lĩnh và dám chấp nhận rủi ro lớn là yếu tố quyết định của một người thành công. Sau đây là 4 tỷ ...

Ba tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng dẫn đầu top 3 người giàu nhất Việt Nam. Tiếp đến là ông Trần Đình Long soán ngôi á ...

Top 10 tỷ phú giàu nhất ngành công nghệ thế giới năm 2021

Năm nay, Forbes đã tìm ra 365 tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ, nhiều hơn đáng kể so với 241 người của năm ngoái. ...

Ánh Kim

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm