Ngân sách nhà nước thặng dư gần 69 nghìn tỷ đồng

Cập nhật: 21:45 | 31/01/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo Tổng cục Thống kê, thu chi ngân sách trong tháng 1 đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 3 TPHCM trong năm 2026

Lạm phát tháng 1/2023 tăng cao do đâu?

Liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 1/2023, cập nhật của Tổng cục Thống kê cho thấy thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, còn chi ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Thu chi ngân sách trong tháng 1 đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước
Thu chi ngân sách trong tháng 1 đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán năm và giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa tháng 1/2023 ước đạt 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 1/2023 ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán năm và tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đột ngột giảm 17,3% so với tháng trước và giảm tới 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó, xuất khẩu giảm 21,3%; nhập khẩu giảm 28,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư 3,6 tỷ USD.

Việc suy giảm trên có nguyên nhân trực tiếp do tháng 1/2023 là tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều diễn ra nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Trước thực trạng xuất, nhập khẩu của quý 4/2022 có dấu hiệu suy giảm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới cả nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Còn tổng chi ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 114,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán năm và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi thường xuyên tháng 1 đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 7,3% dự toán năm và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi đầu tư phát triển đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, bằng 1,8% và giảm 1%. Chi trả nợ lãi 16 nghìn tỷ đồng, bằng 15,6% và tăng 2,6%.

Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, tính hết tháng 1, ngân sách nhà nước thặng dư 68,8 nghìn tỷ đồng.

Hoàng Hà (t/h)