Ngân hàng vật vã bán tài sản đảm bảo

Cập nhật: 10:10 | 20/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Để tránh tình trạng nợ xấu dồn ứ, ảnh hưởng đến khả năng cấp vốn ngân hàng đến nền kinh tế, lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị cần có hướng giải pháp hiệu quả hơn đối với hoạt động thu hồi tài sản, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD lần thứ 2 trong vòng một tuần

Ngân hàng Nhà nước rút ròng gần 55.000 tỷ đồng khỏi thị trường tuần qua

Tốc độ thu hồi nợ xấu chậm lại

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử, tại MB, trong 9 tháng đầu năm nay, thu từ các khoản nợ đã xử lý chỉ đạt 1.244 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Để nợ xấu không bị dồn ứ, các ngân hàng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ qua nhiều hình thức, phổ biến là rao bán, đấu giá tài sản. Hiện tại rất nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh rao bán tài sản nhất là bất động sản từ nhà đất, đến căn hộ chung cư cao cấp, biệt thự… để thu hồi nợ. Tuy nhiên do thị trường bất động sản trầm lắng nên việc rao bán ế ẩm buộc các ngân hàng liên tục phải hạ giá bán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tháng 11/2022, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thiên Tân (bất động sản). Đây là lần thứ bảy, Vietcombank tổ chức đấu giá khoản nợ này. Trước đó, Vietcombank đã nhiều lần rao bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen Việt Nam với giá khởi điểm giảm hơn 172 tỷ đồng so với thông báo bán đầu giá hồi đầu tháng 11/2021.

BIDV cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy Vietnam (bất động sản) với giá khởi điểm 348,3 tỷ đồng, tức chỉ tương đương nợ gốc và giảm 120 tỷ đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022.

Agribank vừa thông báo bán đấu giá lần 28 khoản nợ của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng. Trong lần đấu giá mới nhất này, Agribank đưa ra giá khởi điểm chỉ đúng bằng nợ gốc, bỏ qua hơn 356 tỷ đồng tiền lãi…

Thị trường bất động sản đi xuống, thanh khoản thấp kỷ lục, giá bất động sản phát mại vẫn chưa được chiết khấu hấp dẫn… là các yếu tố khiến các ngân hàng khó bán nợ thành công.

Ngoài lý do thị trường bất động sản không thuận lợi, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, Sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.

Để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung nhiều quy định để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Theo NHNN, hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty có chức năng mua bán nợ duy nhất do Chính phủ thành lập được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. NHNN nên bổ sung thêm cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào đối tượng được áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 42/2017/QH14.

Chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng

Một trong những điểm chú ý tại báo cáo kết quả kinh doanh ba quý đầu năm của các ngân hàng đó là nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Có thể kể đến như Vietcombank duy trì tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu trên 400%. Tính tới 30/9, ngân hàng VietinBank cũng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 39.000 tỷ đồng, tăng 52%. Đồng thời đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 220%.

Ngân hàng VPBank dành hơn 15.141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng tính tới 30/9/2022, tăng 11% so với cùng kỳ 2021. Saigonbank và ABBank cũng nâng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 183 tỷ đồng và 962,8 tỷ đồng tính tới 30/9/2022, tăng 13% và 19% so với cùng kỳ.

Trước việc các ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng rủi ro, gia cố “bộ đệm”, theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, một phần nguyên nhân do các tổ chức tín dụng chấp hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

“Các ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai”, TS.Châu Đình Linh cho hay.

Thực tế cũng cho thấy, số lượng ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% ngày càng gia tăng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100% cho thấy, trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi được, thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để xử lý và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Còn nếu trường hợp nợ xấu thu hồi được, ngân hàng có thể hoàn nhập dự phòng, từ đó được xem như “của để dành” cho tương lai. Vì thế, ngân hàng có chiến lược phòng thủ và sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng duy trì mục tiêu kép là tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.

Agriseco Research thuộc CTCK Agribank ghi nhận, đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Điều này sẽ giúp những ngân hàng này củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hồng Giang