Ngân hàng SCB đóng cửa thêm nhiều phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành

Cập nhật: 10:18 | 28/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác.

Cụ thể, SCB chính thức chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Thủ Đức - chi nhánh Đông Sài Gòn (705, Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, TP. Thủ Đức, TPHCM) kể từ ngày 20/5 vừa qua.

Ngày 25/5, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Tân Sơn Nhì - chi nhánh Tân Bình (211, Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM), phòng giao dịch Phú Mỹ Hưng - chi nhánh 20/10 (1401-1403, khu phố Mỹ Toàn 2-H4, phường Tân Phong, quận 7, TPHCM), phòng giao dịch Tây Sài Gòn - chi nhánh Củ Chi (851, quốc lộ 22, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TPHCM).

Ngân hàng SCB đóng cửa thêm nhiều phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Tại Đắk Lắk, SCB đã chính thức chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành - chi nhánh Đắc Lắc (87, Ngô Quyền, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Sau đó, SCB chi nhánh Đắc Lắc chuyển trụ sở từ 178, Y Jút, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột về địa chỉ của phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành vừa đóng cửa.

Tại Bình Dương, SCB đã chính thức chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bến Cát - chi nhánh Bình Dương (44 - 46, Hùng Vương, phường Mỹ Phước, Bến Cát) kể từ ngày 24/5.

Trước đó, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 47 điểm giao dịch tại 9 tỉnh thành. Trong đó, đóng cửa 33 phòng giao dịch tại TPHCM, 8 phòng giao dịch tại HN, 5 phòng giao dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương khác là Hải Phòng, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang mỗi địa phương đóng 1 phòng giao dịch.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng phía Nam, từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 61 phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh là 37 phòng giao dịch.

SCB từng là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012. Ở thời điểm đỉnh cao, SCB có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng và từng có thời điểm sở hữu tới 239 điểm giao dịch trên cả nước.

Trước đó, ngày 15/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, “SCB là một trong những ngân hàng có quy mô và tổng tài sản lớn nên việc đưa ra những giải pháp xử lý đòi hỏi thủ tục và quy mô hỗ trợ lớn.

Đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và NHNN sẽ tiếp tục xây dựng một lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này, tạo điều kiện cho ngân hàng từng bước ổn định và phục hồi hoạt động”.

Ngân hàng Nhà nước cũng lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank để tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng SCB.

Ngay khi Ngân hàng SCB rơi vào tình trạng khó khăn, Ngân hàng nhà nước đã có nhiều giải pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia cũng như đảm bảo cho hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng NCB chấm dứt hoạt động 3 phòng giao dịch

Đây là 3 phòng giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Cao Hậu

Tin liên quan