Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa nền kinh tế từ Nghị định 24

Cập nhật: 10:10 | 16/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, để phục vụ việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.

Lãi suất điều hành có thể tiếp tục giảm

Kỳ vọng các nhà đầu tư cá nhân trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán

Hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế

Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về quản lý thị trường vàng
Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về quản lý thị trường vàng

Trong đợt 1 vào tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội và chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thành lập các đoàn kiểm tra một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng có trụ sở chính trên địa bàn.

Trong đợt 2 vào tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng địa bàn thanh tra, kiểm tra qua việc yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo kết quả công tác kiểm tra tại cuộc họp liên ngành về tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách bao gồm: Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng của Ngân hàng Nhà nước những năm qua là bước tiến quan trọng để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, loại bỏ tình trạng vàng hóa ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.

Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối.

"Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và Hiệp hội kinh doanh vàng và xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 trong năm 2023.", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong báo cáo.

Chênh lệch vàng trong nước – quốc tế thu hẹp

Thời gian gần đây, đặc biệt là khi khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ xuất hiện với sự sụp đổ của một số ngân hàng thì giá vàng thế giới đã có biến động rất mạnh, có những phiên, mức tăng lên tới trên dưới 50 USD/ounce.

Tính chung từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng mạnh tới 200 USD/ounce, từ vùng giá dưới 1.830 USD/ounce lên quanh 2.030 USD/ounce. Quy đổi ra vàng Việt Nam thì mức tăng trên thị trường thế giới lên tới gần 6 triệu đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vàng SJC lại chỉ tăng khoảng 400 nghìn đồng mỗi lượng trong cùng khoảng thời gian, lên mức 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng.

Điều này đã kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước xuống chỉ còn quanh 9 triệu đồng mỗi lượng so với mức chênh lệch khoảng 15 triệu đồng/lượng cách đây hơn 2 tháng.

Việc giá vàng thế giới biến động mạnh đã thu hút các nhà đầu tư. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tháng 3 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng sau 2 tháng rút ròng mạnh trước đó. Lượng bán ròng của các quỹ ETF vàng trong quý đã giảm bớt, còn khoảng 29 tấn.

Nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn, mặc dù có sự biến động đáng kể ở các thị trường chính. Nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tại Mỹ đạt 32 tấn, mức cao nhất trong một quý kể từ năm 2010, chủ yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn trong tình hình khủng hoảng ngân hàng.

Trong khi đó, nhu cầu vàng tại Việt Nam lại giảm mạnh. Báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu vàng tại Việt Nam chỉ còn 17,2 tấn trong quý I so với mức 19,6 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn; nhu cầu trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.

Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á -Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của WGC cho biết, suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do tác động từ hiệu ứng cơ sở.

Theo đó, quý I/2022 là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007. Việc mua trữ vàng trang sức trong quý 1/2023 đã có những dấu hiệu tích cực trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi giảm dần vào tháng 2 và tháng 3 do giá vàng tăng.

Hồng Giang