Ngân hàng Nga sẵn sàng đối mặt với rủi ro khi bị ngắt kết nối với SWIFT

Cập nhật: 05:04 | 15/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Các ngân hàng Nga khẳng định việc bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngân hàng và họ đã sẵn sàng đối phó với tình huống như vậy.

World Bank dự báo năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8%

Ngân hàng Nga Sberbank tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Châu Âu

Từ ngày 14/6, Liên minh châu Âu (EU) đã loại các ngân hàng Sberbank, Rosselkhozbank và Ngân hàng Tín dụng Moskva khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Sputnik đưa tin.

SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập vào năm 1973, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống thông tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Là một hệ thống liên lạc cho phép các ngân hàng tham gia chuyển tiền cho nhau, SWIFT sử dụng các mã an toàn, được tiêu chuẩn hóa cho phép các tổ chức gửi và nhận thông tin, chẳng hạn như hướng dẫn chuyển tiền qua biên giới.

Bị loại khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga sẽ không còn có thể thanh toán cho các hoạt động thương mại và tài chính, việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Nga như dầu, than và khí đốt tự nhiên cũng bị cản trở…

Tuy nhiên, các ngân hàng này khẳng định việc bị ngắt kết nối với hệ thống SWIFT sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngân hàng và họ đã sẵn sàng đối phó với tình huống như vậy.

4956-ngan-hang-nga
Ngân hàng Sberbank của Nga

Ngân hàng Sberbank cho biết vẫn đang hoạt động bình thường và việc ngắt kết nối với SWIFT không làm thay đổi tình hình hiện tại với các khoản thanh toán quốc tế.

Trong khi đó, Rosselkhozbank cũng nhấn mạnh rằng hệ thống ngân hàng của Nga đã có mọi điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động giao dịch không bị gián đoạn.

Nga có hệ thống tài chính riêng do Ngân hàng Trung ương nước này tạo ra để đối phó với rủi ro khi các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với SWIFT.

Trước đó, đầu tháng 3, EU đã loại các ngân hàng VTB, Rossiya và Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Sovcombank và tập đoàn nhà nước VEB khỏi SWIFT.

Ngày 3/6 vừa qua, EU đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 áp đặt với Nga, trong đó có giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Gói trừng phạt này bao gồm lệnh cấm: mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU. Thời hạn áp dụng lệnh cấm này từ 6 tháng đối với dầu thô cho tới 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

Bên cạnh đó, EU cũng thông báo đình chỉ hoạt động phát sóng của 3 kênh truyền hình của Nga tại EU gồm Rossiya RTR/ RTR Planeta, Rossiya 24/Russia 24 và TV Center International.

EU cũng lưu ý rằng các biện pháp này không ngăn cấm những kênh truyền thông này thực hiện các hoạt động ngoài phát sóng tại EU, như nghiên cứu hay phỏng vấn.

Hoàng Quyên