Ngân hàng không dễ đẩy vốn giá rẻ cuối năm

Cập nhật: 15:31 | 13/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Bên cấp vốn sàng lọc kỹ càng, bên có nhu cầu thì không mạnh dạn vay, dẫn đến việc khó bơm vốn ra thị trường dịp cuối năm, cho dù lãi vay ngân hàng đã rẻ.

2753-vongiare
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Khách hàng ngại đi vay

Chị Bình Phương, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, quận 3, TP.HCM cho biết, dịp tết hàng năm đều vay thêm tiền để nhập hàng dự trữ, nhưng năm nay do cầu tiêu thụ tăng chậm nên lượng hàng nhập vào cũng giảm so với trước. Chị không dám vay mượn thêm tiền để trữ hàng vì lo không bán hết tiền lãi sẽ nặng thêm.

Một nhân viên tín dụng của ACB cũng cho hay, so với năm trước, dịp tết năm nay cầu vốn của tiểu thương ở các chợ không tăng đột biến. Khách hàng cân nhắc khá kỹ khi tiếp cận vốn vay, cho dù lãi suất giảm.

Lâu nay, việc vay vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh mùa cao điểm cuối năm là điều bình thường đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh. Song, điều vốn dĩ bình thường này đã trở thành bất thường trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bởi hàng hóa bán ra chậm, doanh thu sụt giảm, nên họ không muốn gánh thêm chi phí lãi vay nếu vay vốn ngân hàng lúc này, cho dù không phải là không có nhu cầu.

Trong khi đó, để kích cầu tín dụng nhỏ, lẻ trong dịp tết Nguyên đán năm nay, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đã đẩy mạnh khuyến mãi, ưu đãi cho người vay. Đơn cử, HD Saison tặng vàng và giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn. Viet Credit ưu đãi, giảm lãi cho khách hàng khi rút tiền từ thẻ, vay mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm…

ACB thì thiết kế gói tài chính dành riêng cho các tiểu thương dịp cuối năm, với hạn mức lên đến 10.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay thấp hơn trước khi có dịch đến 4%/năm, giúp khách hàng biến “nguy” thành “cơ” khi có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh nguồn thu nhập trả nợ và tài sản thế chấp (nhà, xe, giấy tờ có giá trị)…

Đồng thời, các tiểu thương, cá nhân có nhu cầu vay từ ACB sẽ được vay đến 90% kế hoạch sử dụng nguồn vốn đối với mục đích vay mua nhà đất làm địa điểm sản xuất - kinh doanh, nếu để bổ sung vốn lưu động thì có thể được giải ngân tới gần 100% nhu cầu vay.

Kích cầu là vậy, nhưng qua trao đổi với lãnh đạo các công ty tài chính và ngân hàng trên, đánh giá chung được đưa ra là cầu tín dụng của nhóm khách hàng này sẽ khó tăng mạnh dịp tết này. Phó tổng giám đốc một công ty tài chính cho hay, trong tháng 12/2020, dư nợ tín dụng của công ty ông không những không tăng, mà còn giảm, một phần do công ty đẩy mạnh cơ cấu lại khách hàng, nợ vay.

Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB cũng cho biết, cuối năm là dịp để ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhất là khi mặt bằng lãi suất giảm và cầu vốn cũng đã cải thiện hơn, nhưng với phân khúc khách hàng cá nhân, tín dụng khó tăng đột biến như các dịp tết của những năm trước do thu nhập bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Dư nợ khó tăng mạnh

Với 3 lần giảm trong năm 2020, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó một số ngân hàng giảm lãi suất từ 1-2,5%/năm, còn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Đồng thời, để kích cầu tín dụng, nhiều ngân hàng đồng loạt triển khai các gói cho vay ưu đãi. Thế nhưng, không phải phân khúc nào tín dụng cũng tăng.

Một cán bộ tín dụng Nam A Bank cho hay, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay đến 2%/năm, áp dụng cho các khách hàng vay vốn sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng..., nhờ đó tín dụng đã cải thiện hơn trong quý cuối năm 2020 so với các quý đầu năm. Tuy vậy, sự cải thiện chủ yếu tập trung tại nhóm khách hàng doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững, còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh hay cá nhân, tín dụng tăng rất chậm.

Thực tế, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn do tác động bởi đại dịch, không chỉ khách hàng không còn mạnh dạn vay vốn, mà bản thân ngân hàng cũng khắt khe hơn trong cho vay để hạn chế nợ xấu gia tăng.

Ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank cho biết, Ngân hàng hạn chế cho vay những khoản vay giá trị lớn, nếu có thì việc triển khai cũng rất chặt chẽ để vừa có thể giải ngân được cho khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Với các công ty tài chính, dịp cuối năm là cơ hội để tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhất là khi các ngân hàng đang thận trọng hơn trong cho vay tiêu dùng. Thế nhưng qua khảo sát tại các điểm liên hết bán hàng như các siêu thị điện máy, cửa hàng xe máy, hàng tiêu dùng... cho thấy, không khí không mấy sôi động.

Thực tế, lãi suất cho vay tiêu dùng không chỉ ở ngân hàng, mà của các công ty tài chính cũng giảm trong năm 2020 cũng như đầu năm 2021. Theo vị phó tổng giám đốc công ty tài chính đã nêu ở trên, hoạt động cho vay hiện được quản lý chặt chẽ theo đúng định hướng đề ra trong giai đoạn dịch bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến dư nợ của công ty giảm thời gian qua.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,79 triệu tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,28%). Ước tăng trưởng tín dụng của ngành cả năm 2020 vào khoảng 11%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhiều khả năng tín dụng tháng 1/2021 sẽ cải thiện hơn so với thời gian trước đó bởi đây là thời điểm kinh doanh cao điển cận Tết Nguyên đán 2021, đồng thời lãi suất giảm dần cũng tác động tích cực lên hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho hay, không nên kỳ vọng tín dụng tăng đột biến trong bối cảnh hiện nay.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm

Tín dụng tăng tốc mạnh trong tháng cuối năm nhưng thanh khoản các NHTM vẫn rất dồi dào, thị trường tiền tệ không có nhiều ...

Quyền quyết room ngoại vẫn nằm trong tay các ngân hàng

Thay vì bỏ quyền tự quyết "room" như dự kiến, quy định mới cho phép ngân hàng được khoá “room" ngoại dưới mức quy định ...

Nợ xấu xấu hơn khi Thông tư 01 hết hạn

Thông tin từ NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối ...

Theo Vân Linh

tinnhanhchungkhoan.vn