Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận sẽ không còn đẹp

Cập nhật: 13:47 | 02/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Đồng thuận giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận…

4530-nn2
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhiều ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021. Chẳng hạn, LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế bán niên 2021 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành gần 2/3 kế hoạch cả năm là 3.200 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế của MB trong nửa đầu năm 2021 đạt 7.038 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu ở mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng là 311%.

Đối với OCB, 6 tháng đầu năm 2021 lãi trước thuế hơn 2.661 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 48% mục tiêu cả năm và tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu ở mức 70%, tăng so với mức 62% thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 của ngành ngân hàng dự kiến sẽ không được tốt như vậy, dù có mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, tín dụng thường tăng mạnh. Bởi lẽ, trung tuần tháng 7 vừa qua, các ngân hàng đã đồng thuận hạ lãi suất cho vay trong mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Ví dụ, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp cũng như người dân tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5%/năm nhằm giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.

BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1-1,5%/năm so với trước. VietinBank giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay. MB vừa chia sẻ về kế hoạch giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đối tượng khách hàng khác nhau sẽ được hưởng mức giảm lãi suất khác nhau, mức giảm cao nhất là 4%/năm.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết, dự kiến tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 là hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn mức đã thực hiện năm 2020.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng đang thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi lãi suất, giảm, giãn thời gian trả nợ vay, cung cấp kịp thời nguồn vốn để khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với khách hàng là người lao động bị mất việc, OCB miễn 100% tiền lãi trong các tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Dư nợ tín dụng được giảm lãi là 45.000 tỷ đồng. Hiện bộ phận tài chính của Ngân hàng đang thống kê mức độ tác động vào thu nhập lãi cho vay do giảm lãi cho khách hàng”, ông Tùng nói.

Sacombank công bố giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Với tổng dư nợ hiện đạt khoảng 350.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1%/năm trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của Sacombank ước tính giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận kế hoạch năm 2021.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh phiên đầu tuần, NVB tiếp tục "tím"

Với việc các nhà băng công bố kết quả kinh doanh tốt, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh trong phiên giao dịch sáng ...

Lãi suất tiết kiệm ACB mới nhất tháng 8/2021

Khảo sát ngày 2/8, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới nhất, với việc điều ...

TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2021

Thống kê số liệu từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế 6 ...

Lưu Lâm