Ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 68
Một ngân hàng thương mại tiên phong triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68, tập trung vào vốn, chuyển đổi số, mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW với mục tiêu đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên hiện thực hóa chủ trương này bằng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN).

Bốn trụ cột hỗ trợ doanh nghiệp: Vốn – Số hóa – Mở rộng thị trường – Phát triển bền vững
Hướng đến đồng hành dài hạn và toàn diện, ACB đã xây dựng chính sách dựa trên 4 trụ cột chính: hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ và đồng hành trong phát triển bền vững.
Đáng chú ý, ngân hàng đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ có tổng quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng. Trong đó, 20.000 tỷ đồng được phân bổ cho DNVVN và phần còn lại dành cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng này đi kèm mức lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường từ 2% trở lên.
ACB cũng triển khai nhiều hình thức tài trợ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp như cho vay không tài sản đảm bảo, tín chấp theo chuỗi cung ứng, thấu chi tín chấp và đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và quảng bá cho DNVVN
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vốn, ACB còn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Ngân hàng cung cấp các giải pháp thanh toán hiện đại, giúp DNVVN và hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền, kiểm soát chi phí và tự động hóa quy trình tài chính.
Trong lĩnh vực phát triển thị trường, ACB tận dụng nền tảng hơn 8 triệu khách hàng cá nhân để làm cầu nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Ngân hàng tổ chức các sự kiện kết nối, đồng thời hỗ trợ quảng bá miễn phí sản phẩm của doanh nghiệp trên hệ sinh thái ngân hàng số của mình – một bước đi giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh và mở rộng tập khách hàng nhanh chóng.
Hỗ trợ phát triển bền vững và chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng được chú trọng, ACB cũng dành nguồn lực để hỗ trợ DNVVN hướng đến phát triển bền vững. Các giải pháp tư vấn, cấp tín dụng xanh và đồng hành trong quá trình chuyển đổi là một phần trong cam kết dài hạn của ngân hàng với mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với trách nhiệm môi trường và xã hội.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Trọng tâm chiến lược của ACB
Theo ACB, hơn 95% khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng hiện nay là các DNVVN – đúng đối tượng mà Nghị quyết 68 hướng tới. Do đó, các chính sách của Chính phủ như miễn giảm thuế, cải thiện tiếp cận đất đai hay ưu tiên tín dụng đều có tác động tích cực đến năng lực vận hành và cơ hội tăng trưởng của nhóm khách hàng này.
Tại tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 – Những việc cần làm ngay” ngày 9/5, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB – nhận định, các chính sách về tín dụng trong Nghị quyết 68 mang tính đột phá, bám sát thực tiễn của doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhóm DNVVN còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Ông Phát đánh giá cao việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu thành lập – chính sách giúp các doanh nghiệp trẻ có thêm thời gian tích lũy vốn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thuê đất công chưa sử dụng tại địa phương được kỳ vọng sẽ tháo gỡ phần nào áp lực chi phí mặt bằng – một gánh nặng lớn với doanh nghiệp tại đô thị và khu công nghiệp.
Từ góc nhìn ngân hàng thương mại, ACB cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho cơ chế tín dụng ưu tiên DNVVN. Cụ thể, việc nâng cấp mô hình Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết. Những quỹ này sẽ đóng vai trò như điểm tựa giúp ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn cho các doanh nghiệp tiềm năng, sáng tạo và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.