Ngân hàng bứt tốc quý đầu năm, nhưng không phải ai cũng thắng lớn
Đi qua quý I/2025, nhiều ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh sáng màu vẫn còn những phân hóa rõ rệt trong toàn ngành.
Ngay trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2025, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cho quý I với những tín hiệu tích cực. Dù chưa có báo cáo tài chính chi tiết, nhưng các con số ban đầu đã cho thấy đà phục hồi rõ rệt.
Nam A Bank là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố kết quả. Theo thông tin từ ĐHĐCĐ thường niên 2025, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.214 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. Tổng tài sản chạm gần 263.000 tỷ đồng, tăng 7% từ đầu năm. Dư nợ tín dụng và huy động vốn lần lượt tăng 6% và 14%. Tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 2,23%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu gần 54%, hệ số CIR cải thiện còn 36% và CAR đạt 11,6%, đáp ứng chuẩn Basel III.
Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT cho biết lợi nhuận quý I ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tương đương 20–22% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng của VIB tính đến 20/3 đạt gần 3%, cao hơn mức bình quân 2% của toàn hệ thống. Ông Vỹ dự báo các quý tiếp theo có thể ghi nhận mức tăng trưởng 30–40%.

NCB gây bất ngờ khi ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt trên 125 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt sau hai năm thua lỗ. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản đạt 131.000 tỷ đồng (tăng 10,4%), dư nợ cho vay hơn 78.000 tỷ đồng (tăng 9,6%), và huy động vốn hơn 107.000 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần đạt gần 510 tỷ đồng, mức cao nhất trong 9 quý liên tiếp.
TPBank chưa công bố chính thức nhưng cũng hé lộ lợi nhuận trước thuế hai tháng đầu năm đạt 1.430 tỷ đồng, dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng trong quý I – tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động ước đạt 4.300 tỷ đồng, dư nợ cho vay có thể đạt 269.000 tỷ đồng, tỷ lệ CASA trên 20% và CAR giữ trên 13%.
Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý I/2025 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng tốc từ đầu năm. Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 50%.
Những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, từ 20% đến 26%. Trong đó, VPBank dẫn đầu khi lợi nhuận được dự báo tăng 50%, nhờ tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh và chi phí dự phòng giảm 12,2%.
Sacombank cũng ghi nhận tăng trưởng 37%, chủ yếu nhờ nền lợi nhuận thấp của năm trước và cắt giảm chi phí dự phòng đến 70,5%.
VietinBank được dự báo tăng 28%, nhờ tăng tín dụng và giảm trích lập dự phòng. HDBank tăng 19% dù biên lãi thuần sụt nhẹ nhưng giữ vững tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 6%.
Một số ngân hàng khác như Eximbank, ACB, BIDV, LPB, Vietcombank ghi nhận mức tăng nhẹ từ 3% đến 18%, cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong tốc độ tăng trưởng của các ngân hàng trong quý đầu năm.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 16%, Ngân hàng Nhà nước đang tạo dư địa thuận lợi để các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh cho vay, đặc biệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp và nhu cầu tín dụng phục hồi rõ nét từ đầu năm.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự tăng trưởng không đồng đều có thể khiến áp lực cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng gia tăng, nhất là với các ngân hàng nhỏ hoặc đang trong quá trình tái cấu trúc.