Ngân hàng Á Châu (ACB) có thể được cấp thêm hạn mức tín dụng từ cuối tháng 6

Cập nhật: 09:12 | 18/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã nộp đơn xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới đây.

0834-acb-1
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Theo báo cáo mới cập nhật của CTCP Chứng khoán SSI, Ban Lãnh đạo ACB cho biết đà tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốt trong 4 tháng đạt mức 8% so với đầu năm. ACB cũng đã nộp đơn xin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Tính đến cuối quý I/2022, tổng dư nợ cho vay của ACB đạt 380.000 tỷ đồng (tăng 5% so với đầu năm), với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Chuyên gia SSI cho rằng đây là những khoản cho vay tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh. Tỷ trọng cho vay của ngân hàng đối với mảng xây dựng & kinh doanh bất động sản là khoảng 6% tại thời điểm cuối quý I.

Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng của ACB thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng SSI nghiên cứu (7% so với đầu năm), nhưng cao hơn so với giai đoạn 2019-2020 của chính ACB.

Về chất lượng tài sản, dư nợ nhóm 2 ( giảm 15% so với đầu năm) đi ngược với các ngân hàng khác (+20% so với đầu năm), cho thấy chất lượng tín dụng tổng thể của ACB vẫn duy trì tốt hơn các ngân hàng khác.

Tổng dư nợ chịu ảnh hưởng COVID-19 giảm còn 15.000 tỷ đồng (giảm 12% so với đầu năm, đã thu hồi được 1,2 nghìn tỷ đồng). Do dư nợ đã thu hồi được một phần, nên khoản trích lập dự phòng 338 tỷ đồng trước đó đã được hoàn nhập giúp chi phí dự phòng thuần trong kỳ ở mức 3 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt là 0,42% và 0,82%. Ngân hàng không công bố số dư nợ được cơ cấu trực tiếp. Tuy nhiên, do tổng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 giảm xuống, chuyên gia cho rằng dư nợ tái cấu trúc trực tiếp sẽ giảm từ mức 0,3% tổng dư nợ ở thời điểm cuối năm 2021.

Tổng dự phòng cho các khoản vay có vấn đề (nợ quá hạn và khoản vay được tái cơ cấu trực tiếp) ước tính là 102% tại thời điểm quý I/2022.

Dự báo năm 2022, SSI cho rằng đây sẽ là một năm khá thuận lợi đối với ACB với lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 16.900 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 16% so với cùng kỳ), NIM tăng 0,25 điểm % và chi phí dự phòng giảm.

Bên cạnh đó, dù duy trì việc quản lý rủi ro chặt chẽ và giải ngân ở mức thận trọng, ACB vẫn có thể đạt mức ROE hấp dẫn là 26,3% - đây là mức cao thứ 2 trong số các ngân hàng mà SSI nghiên cứu. Áp lực tăng vốn cũng sẽ không quá lớn trong năm nay do hệ số CAR của ACB vẫn trên 11%.

Đáng chú ý, do ngân hàng không tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn thị trường bất ổn như hiện tại.

Đa dạng hoá nguồn thu giúp ngành ngân hàng đạt nhiều kết quả khả quan

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Tăng thu từ dịch vụ giúp đảm bảo ngân hàng sống khoẻ hơn, bền ...

“So găng” quy mô tổng tài sản các ngân hàng trong quý I/2022

Theo khảo sát, BIDV là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất toàn hệ thống với hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng ...

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất tháng 5/2022?

Khảo sát lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 6/5, nhiều ngân hàng có điều chỉnh mới trong biểu lãi suất trong tháng trước.

Phương Thảo