"Ném đá dò đường" - cách thức để tôi tồn tại trong thị trường giá xuống

Cập nhật: 13:09 | 10/10/2022 Theo dõi KTCK trên

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tiếp sụt giảm mạnh đã “tra tấn” tâm lý của không ít nhà đầu tư. “Mua vào - chờ hàng về - bán ra, cắt lỗ” là chu trình lặp đi lặp lại, bào mòn NAV (giá trị tài sản ròng) của họ.

Là nhà đầu tư gắn bó với thị trường chứng khoán lâu năm, tôi nhận ra rằng nếu không tìm được phương pháp đầu tư phù hợp, bị mất phương hướng sẽ dẫn tới việc nhà đầu tư “say đòn”, mua vào bán ra liên tục, càng làm gia tăng thua lỗ trong giai đoạn này.

Trong cuộc hành trình kiếm tìm lợi nhuận từ chứng khoán, tôi đã chứng kiến nhiều đợt thị trường sụt giảm rất mạnh, mà nguyên do thường xuất phát từ sự kiện mang tính chất tiêu cực. Tuy nhiên, tình trạng rơi điểm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó thị trường ấm dần, hồi phục và tiếp tục đi lên.

Ném đá dò đường trong thị trường Downtrend. (Đồ họa: Đức Anh)
Mua thăm dò là cách bảo vệ tài sản hiệu quả trong thị trường downtrend. Đồ họa: Đức Anh

Tiếc rằng, đợt sụt giảm lần này của thị trường đã kéo dài quá lâu, bởi vì liên tiếp hứng chịu các thông tin xấu từ vĩ mô, cho tới vi mô. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có động thái tăng lãi suất “cứng rắn”, và để đối phó với áp lực này khi dự trữ ngoại tệ không còn quá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng hai lãi suất chính sách thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm %), nâng lãi suất tái cấp vốn từ mức thấp lịch sử 4% lên 5%.

Bên cạnh đó, tin đồn liên quan đến định chế tài chính rất lớn của nước ngoài là Credit Suisse, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vốn đã gây ra nhiều bất ổn, cũng khiến thị trường được phen “dậy sóng”, tâm lý hoảng loạn bao trùm.

Việc dồn dập thông tin các đại gia bất động sản “xộ khám”, gần đây nhất là bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Sống trong một bầu không khí nghẹt thở, tồn tại nhiều yếu tố bất định, khó lường, câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư phải làm thế nào để “sinh tồn”?

Từ những kinh nghiệm thu được sau không ít lần vấp ngã, linh cảm mách bảo tôi rằng thị trường chứng khoán sẽ không thể thoát khỏi xu hướng sụt giảm nghiêm trọng. Đồ thị kỹ thuật đang cảnh báo, VN-Index sẽ liên tục giảm điểm, và phá các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn một cách dễ dàng.

Về cá nhân tôi, một trong những điều phải làm trước tiên là tăng cường quản lý rủi ro tài khoản, bằng cách hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức có thể kiểm soát được, phù hợp với khả năng chịu đựng và khẩu vị rủi ro của mỗi người.

Cụ thể, nếu tài khoản còn sử dụng đòn bẩy margin thì cần nhanh chóng giảm lượng margin xuống, thậm chí là không dùng margin. Nếu tài khoản không sử dụng margin thì yêu cầu phải để tỷ trọng cổ tiền ở phù hợp với từng trạng thái của thị trường.

Điều này nhiều người đã nói và là nguyên tắc cơ bản, là bài học nhập môn cho “chứng sĩ”. Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều nhà đầu tư sử dụng margin để nắm giữ cổ phiếu hoặc mua trung bình giá, đẩy họ vào thế nguy hiểm khi thị trường diễn biến kém tích cực.

Nên biết, một đòn bẩy quá sức có thể khiến bạn mất gấp đôi, hoặc nhiều hơn thế so với những nhà đầu tư giao dịch cẩn trọng khác. Chưa kể, bạn sẽ mất quyền làm chủ tài khoản, không thể tự quyết “gồng lỗ” hay “cắt lỗ”, khi tỷ trọng margin đã vượt mức cho phép, CTCK có thể nhảy vào bán giải chấp bất cứ lúc nào.

Và dưới một sức ép lãi vay quá nặng nề, khó có ai vẫn giữ cho mình sự tỉnh táo nhất định, để đưa ra một quyết định đúng đắn.

Nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình lượng kiến thức cơ bản, đặc biệt là cách đọc hiểu báo cáo tài chính, để xác định được giá trị của doanh nghiệp, định giá được cổ phiếu sao cho phù hợp. Nếu chưa có thời gian tìm hiểu, bạn có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phân tích, hoặc các môi giới tại CTCK có uy tín.

Một doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, sức mạnh nội tại khả quan, mà thị giá lại giảm xuống thấp hơn giá trị sổ sách, thì chắc chắn đây là dịp tốt để đầu tư, và hướng đến mục tiêu dài hạn. Thị trường sẽ “công tâm” trong việc định giá cổ phiếu, khi xu thế sụt giảm không còn, tôi tin rằng cổ phiếu đó sẽ về đúng giá trị của nó. Vấn đề là thời điểm nào mà thôi.

Đó cũng là cơ sở để tôi yên tâm “gom hàng”, gia tăng tỷ trọng với những mã cổ phiếu tiềm năng mỗi khi thị trường trong thời kỳ downtrend.

Một phương pháp đầu tư khác mà tôi khá tâm đắc trong giai đoạn downtrend, ấy là “ném đá, dò đường”. Hiểu nôm na là, nếu bạn cảm thấy mã cổ phiếu bạn quan tâm đã chiết khấu đủ sâu, và bạn biết nhiều thông tin hỗ trợ, thì bạn có thể bắt đầu mua theo từng nhịp, “gom” dần từng ít một.

Đến khi cổ phiếu có diễn biến lạc quan, thực tế và phù hợp với tính toán ban đầu của bạn, bạn mới tung hết sức, mua tối đa số lượng cổ phiếu theo kế hoạch định sẵn.

Nếu áp dụng phương pháp này, trường hợp mà bạn vẫn lỗ, bạn cần xem lại cách định giá cổ phiếu của mình, đã bỏ xót yếu tố nào hay chưa? Hoặc đơn giản hơn, do thị trường lúc này đang có quá nhiều vấn đề, quá nhiều rủi ro. Trước một thị trường đầy nguy hiểm, nhà đầu tư nên nhảy ngay ra ngoài, đứng im, “ôm tiền” và tiếp tục chờ cơ hội.

Nhưng với những người thường xuyên theo dõi bảng điện, và “nghiện” trading thì không dễ dàng thoát ra khỏi sự cám dỗ của thị trường.

Nhìn chung, dù bất cứ thòi điểm nào, Uptrend hay Downtrend thì nhà đầu tư cũng cần chiêm nghiệm cho mình một phương pháp đầu tư đúng đắn, phù hợp với khẩu vị của bản thân. Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công, và mở ra hầm trú ẩn an toàn trước làn sóng sụt giảm trầm trọng.

Mỗi người có một nền tảng tài chính khác nhau, hơn nữa là quan điểm, tư duy nhìn nhận thị trường riêng biệt, nên không thể theo “lối mòn” của người thành công, là mình cũng sẽ thành công. Để tồn tại lâu dài trên thị trường, nhà đầu tư cần nghiêm túc tăng cường kiến thức, và tìm thấy một cách thức giao dịch phù hợp với bản thân.

Phạm Quang Vinh (Chứng khoán HSC)