Năng suất lao động: Yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 07:37 | 01/05/2020 Theo dõi KTCK trên

Năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nếu năng suất thấp sẽ là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững.

Do đó, thúc đẩy tăng trưởng năng suất hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng; đặc biệt là nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp - khu vực đóng vai trò quyết định tới nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Năng suất lao động còn thấp

nang suat lao dong yeu to quyet dinh tang truong kinh te

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Samco
(TP Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Đây là cũng vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 110 triệu đồng/lao động và tăng tới 6,8% so với năm 2018. Tính chung, giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Tuy vậy, đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn hầu hết các nước khu vực ASEAN. Đơn cử, Singapore có năng suất lao động cao gấp 13,7 lần so với Việt Nam; Malaysia cao gấp 5,3 lần; Thái Lan cao gấp 2,7 lần... Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia trong ASEAN về năng suất lao động.

Thực tế trên rất đáng quan ngại, tạo áp lực cho việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực trạng năng suất lao động thấp đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế, đe dọa đến khả năng tăng trưởng, sức cạnh tranh và tiến trình đi tới thịnh vượng của Việt Nam.

Chỉ ra các nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như: tài chính, ngân hàng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp. Mặc dù, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng năng suất lao động nhưng tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình.

Hiện, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó, vẫn còn có những “rào cản” từ cải cách thể chế.

Không những thế, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động. Hiện, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có năng suất lao động cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam vẫn còn thấp.

PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam hiện giờ đang ở mức rất thấp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; các động lực để tăng trưởng năng suất trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả.

“Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động tổng thể nền kinh tế. Từ đó đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài”, PGS. TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Đổi mới tư duy để nâng cao năng suất

nang suat lao dong yeu to quyet dinh tang truong kinh te

Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao
TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Nhận định nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê TS. Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị, trước hết, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, các doanh nhân phải chủ động nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp làm việc mới và hiệu quả, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

“Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến.”, TS. Lâm đề nghị.

Còn theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, những doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển một cách hệ thống, bài bản và muốn đi lên không phải dựa vào những kẽ hở của luật pháp và chính sách thì phải mạnh dạn ứng dụng kinh tế số và như vậy không chỉ tạo ra được hướng phát triển của doanh nghiệp theo xu thế của nền kinh tế của thời đại mà cần thay đổi căn bản về nội dung quản trị của doanh nghiệp. Đây sẽ là một yếu tố đòi hỏi phải đầu tư công nghệ và đầu tư về mặt tư duy quản trị.

Mới đây, một trong những giải pháp cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đó là cần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động. Theo đó, tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh hoàn thiện thể chế xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; đôn đốc khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, các cơ quan nhà nước và người dân, đồng thời phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (ICT) với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để xây dựng, áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng năng suất lao động. Cùng với đó, Bộ Tài chính đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra nhằm thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tích cực thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

nang suat lao dong yeu to quyet dinh tang truong kinh te Gỡ vướng chính sách cho doanh nghiệp thủy sản

KTCKVN - Tổng hợp các ý kiến, kiến nghị gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tiếp tục được các hiệp hội ...

nang suat lao dong yeu to quyet dinh tang truong kinh te Nhất trí trình Quốc hội phê chuẩn 2 hiệp định thương mại và đầu tư với EU tại kỳ họp thứ 9

Chiều 28/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc ...

nang suat lao dong yeu to quyet dinh tang truong kinh te Những xu thế đầu tư - kinh doanh cần nắm bắt "hậu Covid-19"

"Hậu Covid-19", theo TS. Cấn Văn Lực, có ít nhất 6 xu thế chính cơ hội đầu tư - kinh doanh quan trọng trong thời ...

Thúy Hiền

Theo baotintuc.vn

Tin cũ hơn
Xem thêm