Năm Thìn, điểm danh những doanh nhân Việt tuổi Rồng

Cập nhật: 11:12 | 10/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Rồng là biểu tượng tham vọng và thống trị, những người sinh vào năm Thìn cũng được cho rằng luôn tràn đầy năng lượng và sức mạnh, dễ đạt được giàu có và quyền lực. Nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin điểm qua một số doanh nhân Việt tiêu biểu sinh năm Thìn:

Năm Thìn, điểm danh những doanh nhân Việt tuổi Rồng
Năm 2024 là năm Giáp Thìn. Ảnh: Thùy Dung

1. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Nhâm Thìn - 1952) – “Nữ tướng” của REE

Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại Tây Ninh, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982 và có gần 40 năm trên cương vị lãnh đạo doanh nghiệp. Bà được xem là “hoa lạc giữa rừng gươm” trong một ban lãnh đạo có tới 16/17 người là nam giới.

Công ty CP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) tiền thân là Xí nghiệp Cơ điện lạnh, được thành lập vào năm 1977. Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc, Giám đốc REE từ năm 1982. Khi công ty cổ phần hóa năm vào 1993, bà Mai Thanh đảm nhận hai vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc.

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động, dưới sự dẫn dắt của nữ tướng tài ba tuổi Thìn, REE niêm yết và tạo ra nhiều cột mốc đáng nhớ: Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa, doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên,…

Năm Thìn, “điểm danh” những đại gia Việt tuổi Rồng
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch Công ty CP Cơ điện lạnh. Ảnh: Internet

Trong bối cảnh công nghệ, công nghiệp hóa lên ngôi, Công ty đã thu về được nhiều thành tựu quan trọng từ mảng điện nước. Năm 2014, giá trị đầu tư trong lĩnh vực điện nước trong đế chế của bà Mai Thanh đã cán mốc 4115 tỷ đồng. Nhờ sự đầu tư bài bản, doanh thu của lĩnh vực này trong công ty đã chiếm đến trên 50% tổng lãi ròng của doanh nghiệp, vượt các lĩnh vực tiềm năng khác như bất động sản…

"Quả ngọt" tiếp theo của REE trong năm 2014 là chính thức sở hữu 3 nhà máy cấp nước với công suất lên tới 375.000 m3. Tính đến năm 2015, Công ty đã lợi nhuận của công ty đã tăng mạnh đến hơn 3 lần so với năm 2013. Từ một xí nghiệp nhỏ, REE đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường (tại thời điểm 31/12/2019, giá trị vốn hóa của REE là 11.255 tỷ đồng). Từ đó đến nay doanh nghiệp kinh doanh ổn định, chi trả cổ tức đều đặn hàng năm cho cổ đông.

Đến tháng 8/2020, vị trí Tổng Giám đốc của REE được bà Mai Thanh chuyển giao cho ông Huỳnh Thanh Hải để thực hiện đúng quy định về quản trị doanh nghiệp đại chúng. Tính đến ngày 5/2023, bà Thanh đang nắm giữ gần 50 triệu cổ phiếu REE chiếm 12,2% vốn điều lệ, trị giá 2.783 tỷ đồng.

2. Ông Đỗ Minh Phú (Nhâm Thìn - 1952), người sáng lập DOJI Group, Chủ tịch của TPBank

Doanh nhân Đỗ Minh Phú sinh ngày 11/09/1952, quê quán tại Hà Nội. Ông Phú tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội chuyên ngành vô tuyến điện tử. Ông Đỗ Minh Phú được xem là một “hiện tượng” trong giới doanh nhân. Ông là người sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI. Ngoài ra, ông Phú còn là Chủ tịch của TPBank và giữ nhiều chức vụ quan trọng khác tại các công ty và tổ chức trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI với tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994. Năm 2007, Đỗ Minh Phú dồn hết sức lực xây dựng một trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam chuyên về vàng bạc đá quý mang tên DOJI Plaza (hay Ruby Plaza) trên phố Lê Ngọc Hân, Hà Nội. Trong 2 năm 2007- 2008, tập đoàn DOJI (viết tắt của cụm từ Development of Jewelry and Investment) tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái. Nếu như năm 2006 doanh thu của Tập đoàn mới chỉ dừng lại ở 60 tỷ thì con số này đã vọt lên 30.000 tỷ đồng vào năm 2011.

Năm Thìn, “điểm danh” những đại gia Việt tuổi Rồng
Ông Đỗ Minh Phú - người sáng lập DOJI Group, Chủ tịch của TPBank. Ảnh: Internet

Năm 1997, sau khi nhìn thấy tiềm năng của thị trường băng vệ sinh tại Việt Nam, ông Đỗ Minh Phú cùng em trai là Đỗ Anh Tú thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kỹ thuật Việt Ý, nay đổi tên thành Công ty CP Diana chuyên sản xuất các sản phẩm khăn tã giấy, băng vệ sinh, giấy Tissue. Tổng số tiền đầu tư là 600.000 USD (tỷ giá khi đó 11.000 đồng/USD). Cuối năm 1997, doanh thu Diana đạt khoảng 5 tỷ đồng. Năm 1998, con số này tăng lên gấp 3 lần.

Doanh nhân tuổi Rồng này nổi tiếng từ sau thương vụ Tập đoàn gia dụng danh tiếng Unicharm của Nhật Bản mua lại thành công 95% cổ phần của Công ty CP Diana với trị giá 128 triệu USD (hơn 2.560 tỷ đồng) mà chính anh em ông là chủ sở hữu vào năm 2011.

Sau khi thoái vốn tại Diana, với số tiền khổng lồ thu được, gia đình họ Đỗ này đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, ông Đỗ Minh Phú đã tập trung vào lĩnh vực ngân hàng. Bước đi đầu tiên, Tập đoàn DOJI và những người có liên quan đã thông báo mua lại 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Ông Đỗ Minh Phú – đại diện DOJI nắm 8% cổ phần và ông Đỗ Anh Tú – cổ đông nắm 5% đã được bầu vào Hội đồng quản trị của TPBank. Từ đây, ông Đỗ Minh Phú chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank. Trong khi đó, ông Đỗ Anh Tú đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Chọn TPBank, ông Đỗ Minh Phú phải thôi chức Chủ tịch DOJI vào năm 2018 theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Sau 5 năm tái cơ cấu, TPBank đã từng bước “thay da đổi thịt”. Đến cuối tháng 2/2017, TPBank xóa được lỗ lũy kế và đáp ứng điều kiện cần thiết để lên sàn. Năm 2017, ngân hàng này cũng gia nhập nhóm các nhà băng có lợi nhuận ngàn tỷ với lãi trước thuế tăng hơn 70% so với năm trước.

Ngoài việc đầu tư vào ngân hàng, ông Phú còn mua lại công ty Artex Sài Gòn. Đây là một công ty hàng tiêu dùng nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo và chất lượng. Việc sở hữu công ty Artex Sài Gòn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cho DOJI Group. Sự kết hợp hài hòa giữa các ngành nghề này đã giúp DOJI Group và TP Bank tạo ra hiệu quả kinh doanh cao và có sự ảnh hưởng đáng kể trên thị trường.

3. Ông Đặng Thành Tâm (Giáp Thìn - 1964), Chủ tịch HĐQT Đô thị Kinh Bắc

Doanh nhân Đặng Thành Tâm sinh ngày 15/4/1964 tại Hải Phòng, ông tốt nghiệp Đại học Hàng hải Việt Nam. Ông Đặng Thành Tâm được biết đến là người tiên phong trong việc phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Từ năm 1996 đến nay, ông Tâm nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại nhiều công ty. Trong đó nổi bật nhất là chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HOSE: SGT), Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA),…

Năm 2007, ông Đặng Thành Tâm được xem là người giàu nhất Việt Nam, với ba năm liên tiếp giữ vị trí thứ ba dựa trên giá trị cổ phiếu sở hữu. Năm 2008 thị trường tuột dốc, khối lượng cổ phiếu “khổng lồ” của ông Tâm chỉ còn có giá trị tương đương 3.280 tỷ đồng. Giá trị tài sản giảm gần một nửa so với năm 2007, đại gia này đã lui về vị trí thứ 3, nhường vị trí số 1 và số 2 cho ông chủ Vincom và Hoàng Anh Gia Lai.

Năm Thìn, “điểm danh” những đại gia Việt tuổi Rồng
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Đô thị Kinh Bắc. Ảnh: Internet

Sự phát triển của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SGI) gắn liền với tên tuổi doanh nhân Đặng Thành Tâm. SGI là một tập đoàn gồm nhiều công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng, năng lượng khoáng sản...

Ông Tâm là một trong những doanh nhân tham gia tích cực vào các hoạt động hội nhập kinh tế. Ông từng là là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nhật, Ủy viên Ban chấp hành Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên tư vấn Diễn đàn kinh tế thế giới...

Bên cạnh kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm còn là Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2004 - 2009, Đại biểu HĐND huyện Bình Chánh khóa VIII, Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011 - 2016. Vị doanh nhân tuổi Giáp Thìn này còn là doanh nhân ngoài quốc doanh đầu tiên được nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Ông Phạm Đình Đoàn (Giáp Thìn - 1964), Chủ tịch HĐQT của Tập Đoàn Phú Thái Holdings

Doanh nhân Phạm Đình Đoàn sinh ngày 20/11/1964 tại Hà Nội. Ông được coi là thế hệ khởi nghiệp thành công đầu tiên của Việt Nam, là người tiên phong, khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại, với ước mơ được vươn tầm quốc tế, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của hệ thống phân phối tại Việt Nam với nước ngoài.

Tháng 10/1993, ông đứng ra thành lập Tập đoàn Phú Thái Holdings (tiền thân là Công ty TNHH Phú Thái) với tổng số vốn ban đầu 3.000 USD, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, kinh doanh dịch vụ, phân phối những sản phẩm thiết yếu, chỉ với quy mô 10 nhân viên.

Năm Thìn, “điểm danh” những đại gia Việt tuổi Rồng
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT của Tập Đoàn Phú Thái Holdings. Ảnh: Internet

Đến nay Phú Thái Group của doanh nhân tuổi Giáp Thìn này bứt phá phát triển một cách ngoạn mục, mở rộng thị trường kinh doanh khắp cả nước với đa ngành, đa lĩnh vực. Điển hình Phú Thái Holdings có những công ty con gồm: Phu Thai CAT (chuyên lắp ráp xe); Phú Thái Group (mảng hàng tiêu dùng); Phú Thái H & B (chăm sóc sức khỏe & sắc đẹp); Kowil (chuyên về thời trang); GreenVet (lĩnh vực thú y); Phú Thái Invest (giáo dục, nhà hàng, dược).

Hiện nay, Tập đoàn Phú Thái đã xây dựng mạng lưới hơn 20 công ty thành viên, hệ thống phân phối dịch vụ kho vận với hơn 2.000 cán bộ nhân viên hoạt động trên khắp cả nước, doanh thu trung bình năm ước tính đạt hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, một số lĩnh vực hoạt động nổi bật là BĐS thương mại; BĐS đầu tư; phân phối, xuất nhập khẩu, logistics, công nghiệp nặng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh bằng cách kết hợp với những Tập đoàn nổi tiếng trên thị trường thế giới như: Elphistone (Australia); P&G; Catepillar (Hoa Kỳ); Medion (Indonesia); BJC (Thái Lan); PON (Hà Lan);…

Thời điểm hiện tại, Phú Thái Holdings đã khẳng định địa vị của mình trên thị trường là một trong các Tập đoàn sản xuất, phân phối & bán lẻ hàng tiêu dùng đứng hàng đầu tại Việt Nam. Phú Thái Holdings hiện có hơn 50.000 khách hàng phủ đều khắp 3 miền tổ quốc.

5. Ông Nguyễn Đức Thụy (Bính Thìn - 1976), Chủ tịch HĐQT LPBank

Ông Nguyễn Đức Thuỵ là con trai thứ hai của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành, người sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình. Nói về Tập đoàn Xuân Thành, doanh nghiệp này tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh, thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh. Đến năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của Tập đoàn này khi Hợp tác xã Bình Minh được nâng cấp thành Xí nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành.

Trong những năm đầu của thế kỷ 21, Xí nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và chính thức được thành lập với tên gọi Tập đoàn kinh tế Xuân Thành từ tháng 7/2009.

Năm Thìn, “điểm danh” những đại gia Việt tuổi Rồng
Ông Nguyễn Đức Thụy (Bính Thìn - 1976), Chủ tịch HĐQT LPBank. Ảnh: Internet

Năm 2007, bầu Thuỵ được bầu làm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xuân Thành. Đến tháng 5/2015, dưới sự lãnh đạo của ông Thụy, Tập đoàn Xuân Thành chính thức đổi tên thành Tập đoàn ThaiGroup với vốn điều lệ 2500 tỷ và có tổng cộng 14 công ty thành viên. Hiện tại, Tập đoàn ThaiGroup đang đầu tư phát triển vào rất nhiều lĩnh vực như: xi măng, khách sạn, thủy điện.

Tên tuổi của bầu Thụy cũng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thông qua hàng loạt thương vụ đình đám như: Chi hơn 1.000 tỷ đồng để sở hữu hơn một nửa khu “đất vàng” Khách sạn Kim Liên (đường Đào Duy Anh, Hà Nội); cuộc “đảo vai mẹ - con” giữa Thaiholdings và Thaigroup;...

Trong thời gian còn nắm quyền tại Thaiholdings và Thaigroup, các doanh nghiệp của bầu Thuỵ đã triển khai một số dự án đình đám như khu phức hợp nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc, Khu đô thị Xuân Thành Land - Hưng Yên, Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam)…

Năm 2021 đánh dấu thời điểm bầu Thụy lấn sân sang mảng ngân hàng khi ông mua vào số lượng lớn cổ phiếu Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB), tương đương khoảng 3% vốn hiện hành của nhà băng này. Cũng từ đây, có thể thấy sự chuyên tâm của bầu Thuỵ đối với mảng ngân hàng, khi ông dần rút khỏi các doanh nghiệp từng gắn liền với tên tuổi của mình, nâng cao sở hữu tại LPBank và trở thành Chủ tịch HĐQT của nhà băng này vào cuối năm 2022. Hiện, bầu Thuỵ đang sở hữu hơn 61 triệu cổ phiếu LPB, tương đương với 2,41% tỷ lệ sở hữu. Từ khi đến với LPBank, với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình lãnh đạo doanh nghiệp, bầu Thuỵ đã đưa ngân hàng có những bước phát triển mạnh mẽ.

Những “bông hoa” 9x tài sắc vẹn toàn trên thương trường

Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, các nữ doanh nhân trẻ còn gây ấn tượng lớn với người xung quanh bởi thành tích học ...

Những “bông hồng thép” quyền lực trong giới địa ốc

Thị trường địa ốc lâu nay đã không còn là “sân chơi” riêng của cánh mày râu, đặc biệt là khi những “bông hồng thép” ...

Những doanh nhân nghìn tỉ xuất thân từ “nghề giáo”

Trước khi bén duyên với kinh doanh và thành công trên thương trường, đã có không ít những doanh nhân đều xuất thân là những ...

Thùy Dung

Tin cũ hơn
Xem thêm