Ngân hàng

MSB, Sacombank, SeABank... nối dài danh sách ngân hàng muốn thâu tóm công ty chứng khoán

Sơn Tùng 22/04/2025 13:59

Làn sóng ngân hàng lấn sân sang lĩnh vực chứng khoán tiếp tục tăng nhiệt khi nhiều ngân hàng trình kế hoạch mua lại công ty chứng khoán tại mùa ĐHĐCĐ 2025.

Sacombank vừa bổ sung hai tờ trình vào tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, bao gồm kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và đề xuất mua lại công ty chứng khoán. Theo đó, ngân hàng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc góp vốn hoặc mua cổ phần với tỷ lệ sở hữu trên 50% tại một công ty chứng khoán, với tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng. HĐQT Sacombank cho biết việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ giúp ngân hàng cung cấp sản phẩm tài chính toàn diện hơn, tăng nguồn thu ngoài lãi và nâng cao năng lực cạnh tranh.

sacombank mua ctck
Sacombank sắp trình kế hoạch mua công ty chứng khoán tại ĐHĐCĐ 2025

Tại ĐHĐCĐ ngày 21/4, MSB cũng đã thông qua kế hoạch mua lại công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, với mục tiêu mở rộng mảng ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản (wealth management). Ban lãnh đạo MSB kỳ vọng việc thâu tóm sẽ giúp ngân hàng cung cấp các sản phẩm tài chính chuyên sâu như quỹ mở, quỹ hưu trí, đầu tư cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời tận dụng làn sóng đầu tư gián tiếp ước tính 25 tỷ USD/năm vào thị trường Việt Nam. MSB cũng bày tỏ mong muốn tiếp cận công ty chứng khoán có bảng tài sản lành mạnh, vốn điều lệ từ 300–500 tỷ đồng, để sau đó nâng vốn và tích hợp hệ sinh thái đầu tư.

Trong khi đó, SeABank dự kiến trình ĐHĐCĐ ngày 25/4 tới chủ trương mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty CP Chứng khoán ASEAN. Công ty này được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ hiện tại 1.500 tỷ đồng, hoạt động đa dạng trong các nghiệp vụ môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành. Nếu thương vụ được thông qua, Chứng khoán ASEAN sẽ trở thành công ty con trực thuộc SeABank.

Thực tế, việc ngân hàng thâu tóm hoặc sở hữu công ty chứng khoán không phải mới, nhưng đang ngày càng được đẩy mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính đang tái cấu trúc theo hướng đồng bộ hơn. VPBank là một trong những đơn vị tiên phong khi mua lại Công ty Chứng khoán ASC vào năm 2022, đổi tên thành VPBankS và nhanh chóng tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng để đẩy mạnh hoạt động.

ACB hiện sở hữu 100% Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) và đã liên tục tăng vốn cho công ty này từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, với kế hoạch tiếp tục nâng thêm 1.000 tỷ đồng trong tháng 4/2025. Dù từng cân nhắc bán một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ACB cuối cùng vẫn quyết định tự phát triển ACBS sau khi đánh giá lại tính phù hợp của đối tác.

TPBank cũng đã hoàn tất việc mua lại Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,9%. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang sở hữu gần 9,01% cổ phần tại Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Danh sách các ngân hàng đang sở hữu công ty chứng khoán tiếp tục nối dài với những cái tên như LPBank (nắm LPBS), Techcombank (sở hữu hơn 94% vốn tại TCBS), MB (nắm MBS), Vietcombank (VCBS), hay Agribank (Agriseco). Đây là bước đi chiến lược giúp các ngân hàng mở rộng kênh cung ứng dịch vụ tài chính, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thay thế tín dụng truyền thống.

Việc gia tăng đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán và quản lý tài sản đang trở thành xu hướng mới, đặc biệt khi Chính phủ định hướng phát triển thị trường vốn để giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng không chỉ tìm cách đa dạng hóa nguồn thu mà còn định hình lại vai trò là định chế tài chính toàn diện trong nền kinh tế hiện đại.

      Nổi bật
          Mới nhất
          MSB, Sacombank, SeABank... nối dài danh sách ngân hàng muốn thâu tóm công ty chứng khoán
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO