Một thương hiệu trà sữa Trung Quốc "bẻ lái" theo khẩu vị Việt, tham vọng 500 điểm bán, liệu có đấu nổi Phê La, Katinat, La Boong?
Một thương hiệu trà sữa Trung Quốc bất ngờ công bố chiến lược "Việt hóa" nguyên liệu và đặt mục tiêu mở 500 cửa hàng tại Việt Nam trong 3 năm tới. Liệu thương hiệu này có đủ sức đối đầu các tên tuổi nội địa đang lên?
“Việt hóa” – từ menu đến nguyên liệu
Ngày 30/3, Công ty TNHH TMDV Viên An Group (VAG) – đơn vị độc quyền nhượng quyền thương hiệu Yi He Tang tại Việt Nam – chính thức công bố chiến lược phát triển và chính sách nhượng quyền năm 2025.

Theo đó, thương hiệu trà sữa xuất xứ từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang tăng tốc mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, với tham vọng mở 500 cửa hàng đến năm 2028, chiếm khoảng 10% thị phần trà sữa trong nước.
Đặc biệt, Yi He Tang sẽ không đi theo mô hình copy nguyên bản Trung Quốc như nhiều thương hiệu ngoại từng làm, mà chọn hướng tiếp cận mới: “Việt hóa” menu và nguyên liệu nhằm chạm tới khẩu vị người tiêu dùng bản địa.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Viên An – CEO Yi He Tang Việt Nam – khẳng định: “Việc bản địa hóa không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Trong suốt một năm qua, đội ngũ R&D của Yi He Tang đã đi thực địa tại các vùng nguyên liệu trà nổi tiếng của Việt Nam để nghiên cứu, thử nghiệm công thức đồ uống mới.
Dự kiến, từ tháng 4/2025, menu mới “Việt hóa” sẽ được triển khai, với sự kết hợp giữa công thức gốc Trung Quốc và nguyên liệu thuần Việt, như trà Shan Tuyết, trà Lài Tây Bắc, thảo mộc bản địa…
Đặc biệt, Yi He Tang còn bắt tay với Nghệ nhân trà quốc gia Đào Đức Hiếu – một cái tên gắn liền với các hoạt động tôn vinh trà Việt – để nâng tầm giá trị nguyên liệu nội và quảng bá văn hóa trà Việt đến giới trẻ.
Không chỉ “tái tạo” sản phẩm, Yi He Tang Việt Nam còn ra mắt mô hình container với chi phí đầu tư thấp, linh hoạt vị trí, phục vụ tốt cho xu hướng take-away đang lên. Mô hình này được xem là nước đi khôn ngoan trong bối cảnh giá thuê mặt bằng tại các đô thị lớn liên tục tăng cao.
Theo kế hoạch, thương hiệu sẽ tăng tốc mạnh trong năm 2025, nâng số lượng cửa hàng từ 32 lên 140 cửa hàng, và tiến tới 500 cửa hàng vào năm 2028 – tức trung bình mỗi tháng mở hơn 10 điểm bán mới.
Cùng với đó, chính sách nhượng quyền cũng được công bố với nhiều ưu đãi đáng chú ý như: chiết khấu phí nhượng quyền, hỗ trợ thiết kế, truyền thông, và tối ưu chuỗi cung ứng nhờ sử dụng nguyên liệu nội địa.
Cuộc đối đầu nảy lửa với Phê La, La Boong và các “ông lớn nội địa”
Bức tranh ngành trà sữa Việt Nam đang có nhiều chuyển dịch lớn. Nếu trước năm 2020, thị trường bị thống trị bởi thương hiệu ngoại như Gongcha, Dingtea, Tocotoco…, thì hiện nay, các thương hiệu Việt như Phê La, Katinat, La Boong đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Phê La đi theo hướng trà đặc sản kết hợp kỹ thuật pha chế hiện đại, La Boong lại nổi bật với concept bản sắc Việt, kết hợp cùng hình ảnh trẻ trung và trải nghiệm đậm chất “bản địa”.
Trong bối cảnh đó, việc Yi He Tang chọn hướng “Việt hóa từ gốc” là lời tuyên chiến ngầm, cho thấy thương hiệu này không chỉ “mở cửa hàng cho có” mà thực sự nghiêm túc cạnh tranh trên thị trường Việt.

Yi He Tang không phải cái tên xa lạ tại Trung Quốc. Thành lập từ năm 2012, đến nay thương hiệu này đã có hơn 5.600 cửa hàng tại Trung Quốc, phủ khắp 200 thành phố và 27 tỉnh thành.
Tại Việt Nam, Yi He Tang chính thức nhượng quyền từ năm 2019, nhưng chưa tạo được tiếng vang lớn. Tính đến tháng 3/2025, thương hiệu này có 32 cửa hàng trên toàn quốc – con số khiêm tốn so với quy mô của các đối thủ nội địa.
Tuy nhiên, việc đổi bộ nhận diện thương hiệu (bắt đầu từ tháng 6/2025) để đồng bộ với toàn cầu, cùng việc đầu tư vào nguyên liệu và mô hình kinh doanh linh hoạt cho thấy Yi He Tang đang chuẩn bị cho một cuộc chơi dài hơi và bài bản hơn trước.