Một thời vang bóng: Chai bia gợi lại cả thanh xuân đất Tràng An
Sau thời gian dài vắng bóng, dòng bia này đã có cú tái xuất ngoạn mục, khơi dậy ký ức và niềm tự hào của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Bia không chỉ là đồ uống giải khát mà từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Trên khắp các vỉa hè, góc phố, bia hơi, bia chai đã hiện diện trong những cuộc gặp gỡ, sẻ chia, ăn mừng hay đơn thuần là thói quen thường nhật của người dân Thủ đô.
Không nhiều người biết, nhà máy bia đầu tiên tại Đông Nam Á đã được người Pháp xây dựng tại Hà Nội từ năm 1890. Đây chính là tiền thân của Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) ngày nay. Nhà máy Hommel khi đó là minh chứng cho tầm nhìn và quy mô của ngành công nghiệp đồ uống thời kỳ thuộc địa.

Sau khi được tiếp quản bởi Chính phủ Việt Nam vào năm 1957, nhà máy chính thức đổi tên thành nhà máy Bia Hà Nội. Và vào ngày 15/8/1958, chai bia đầu tiên do người Việt sản xuất đã ra đời – một dấu mốc được chọn làm ngày truyền thống của công ty.
Chỉ một năm sau đó, cái tên Trúc Bạch chính thức được lựa chọn cho dòng bia mới, lấy cảm hứng từ hồ Trúc Bạch – biểu tượng địa danh cổ kính gắn liền với Hà Nội ngàn năm văn hiến. Không định vị ở phân khúc phổ thông, Trúc Bạch ra đời với định hướng cao cấp: sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, lúa mạch pha trộn tỷ lệ cao và công nghệ sản xuất hiện đại. Điều này khiến giá thành Trúc Bạch cao hơn hẳn các loại bia truyền thống lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, chính sự khác biệt đó đã khiến Trúc Bạch trở thành đồ uống thời thượng, cùng với phở Hà Nội, kem Tràng Tiền, tạo nên bộ ba ẩm thực không thể thiếu trong văn hóa người Tràng An.

Giai đoạn bao cấp, bia trở thành hàng hóa xa xỉ. Phải có tem phiếu, người dân mới có thể mua được. Khi bước vào thời kỳ tự hạch toán kinh doanh đầu thập niên 1990, Bia Hà Nội gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu bị siết chặt, công suất sụt giảm còn dưới 35 triệu lít/năm.
Bên cạnh đó, bia giá rẻ nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, ồ ạt tràn vào thị trường, tạo nên sức ép khổng lồ. Trúc Bạch khi ấy, với giá thành cao, không còn phù hợp với thu nhập người dân.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, không đủ để nhập khẩu nguyên liệu, ban lãnh đạo nhà máy buộc phải đưa ra quyết định khó khăn nhất: ngừng sản xuất Trúc Bạch – dòng bia từng là niềm tự hào của Hà Nội.
Mãi đến dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống Bia Hà Nội, Trúc Bạch mới được cân nhắc hồi sinh. Khảo sát thị trường cho thấy ký ức về Trúc Bạch vẫn còn sống mãi trong lòng người Hà Nội.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trúc Bạch trở lại với diện mạo mới, chất lượng mới nhưng giữ nguyên hồn cốt xưa. Đây không chỉ là quyết định chiến lược của HABECO, mà còn là lời tri ân lịch sử.
Ban lãnh đạo công ty định vị Trúc Bạch là dòng bia cao cấp nhất, với nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu như hoa bia Saaz, lúa mạch từ Pháp, Czech và công nghệ lên men tự nhiên kéo dài gấp đôi thời gian thông thường.
Dây chuyền sản xuất hiện đại từ Đức, công suất đạt tới 60.000 chai/lon/giờ tại nhà máy bia Hà Nội – Mê Linh, được xem là một trong những nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Thời gian đầu, sản phẩm vẫn còn xa lạ với lớp người tiêu dùng mới. Nhưng sau 10 năm, Trúc Bạch đã có mặt tại hầu hết các đô thị lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với tốc độ tăng trưởng gấp 3-4 lần các dòng bia khác.
Đối với những công nhân kỳ cựu, gắn bó nhiều năm với nhà máy thì việc được chứng kiến sự hồi sinh của Trúc Bạch không chỉ là một niềm vui nghề nghiệp, mà còn là phần ký ức sống động.
Trúc Bạch không chỉ là sản phẩm. Đó là ký ức, là văn hóa, là tinh thần Tràng An được đóng chai. Hành trình 60 năm, từ hào quang tới vắng bóng và trở lại ngoạn mục, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một thương hiệu gắn bó với Thủ đô.