Một tham vọng lớn đang hiện hữu ở cả dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống đường sắt đô thị
Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị song song với việc đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc đang là sự quan tâm lớn đối với địa phương này.
Hệ thống metro 8 tuyến ngầm, 600km đến năm 2045
Với tầm nhìn phát triển giao thông bền vững, TP Hà Nội đang bước vào giai đoạn đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị, đóng vai trò xương sống trong mạng lưới vận tải công cộng toàn thành phố.
Tại kỳ họp ngày 10/7, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục công trình ngầm ưu tiên đầu tư, trong đó có 8 tuyến metro ngầm với tổng chiều dài 320,25km, bao gồm 81,2km đi ngầm và 68 nhà ga ngầm. Các tuyến này gồm: Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi, Trôi – Nhổn – Yên Sở, Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà, Văn Cao – Hòa Lạc, Lĩnh Nam – Dương Xá, Ngọc Hồi – sân bay thứ hai, Cát Linh – Yên Nghĩa...

Cùng với đó, thành phố cũng đưa vào danh sách đầu tư 85 công trình hạ tầng ngầm khác, bao gồm 5 hầm chui giao thông, 78 bãi đỗ xe ngầm và 2 công trình công cộng. Song song là việc hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật tại 95 tuyến phố, tạo nên hệ thống ngầm hóa đồng bộ trên toàn thành phố.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu phát triển tổng cộng 15 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 600km đến năm 2045. Giai đoạn 2024–2030 sẽ tập trung hoàn thiện tuyến số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) dài 11,5km và tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) dài 38,4km.
TOD: Chìa khóa để hiện thực hóa đường sắt đô thị
Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ hệ thống metro ước tính hơn 55 tỷ USD, chia thành ba giai đoạn:
- 2024–2030: Xây dựng khoảng 96,8km, chuẩn bị đầu tư cho 301km, tổng vốn 14,6 tỷ USD
- 2031–2035: Hoàn thiện 301km tiếp theo, tổng vốn 22,57 tỷ USD
- 2036–2045: Hoàn thành 200,7km còn lại, vốn khoảng 18,25 tỷ USD
Theo ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, để đảm bảo khả thi, Hà Nội phải kết hợp đồng bộ mô hình TOD (Transit Oriented Development) – phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, với việc đấu giá quyền đầu tư bất động sản quanh nhà ga để tái đầu tư cho đường sắt. Đồng thời, phải xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội về quản lý đầu tư và sử dụng vốn.
Ông Đông nhấn mạnh: “Nếu chỉ trông vào vốn ODA thì sẽ không thể chủ động hoàn thành sứ mệnh lịch sử của đường sắt đô thị Hà Nội”.
Đầu tư tổ hợp công nghiệp đường sắt gần 17.510 tỷ đồng
Không chỉ dừng ở việc đầu tư hạ tầng metro, Hà Nội đang hướng tới tự chủ công nghệ và sản xuất thiết bị đường sắt, với đề xuất xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt tại huyện Ứng Hòa (khu vực Chuyên Mỹ), diện tích khoảng 250 ha, tổng mức đầu tư sơ bộ 17.509 tỷ đồng.
Tổ hợp sẽ bao gồm:
- Nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện – thiết bị – phụ tùng
- Trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D)
- Trung tâm sửa chữa – bảo trì
- Tuyến kết nối với mạng lưới đường sắt quốc gia
Theo đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây sẽ là dự án mang tính chiến lược giúp nội địa hóa linh kiện, làm chủ công nghệ bảo trì, sản xuất toa xe cho đường sắt quốc gia và đô thị. Đặc biệt, tổ hợp sẽ đảm nhiệm một phần sản xuất cho đường sắt cao tốc, khi Việt Nam triển khai dự án Bắc – Nam trong thời gian tới.

Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư trong năm 2025, xây dựng trong 3 năm và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2029.
Theo quy hoạch thủ đô đã điều chỉnh, khi toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thiện, tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng có thể đạt từ 35 – 40%, góp phần giảm ùn tắc, ô nhiễm và tăng năng suất lao động.