Chuyển động

Một quyết định từ nhiều năm trước giờ giúp Hòa Phát đứng ngoài cơn sóng giá điện tăng

Thu Hà 18/05/2025 05:46

Một chiến lược âm thầm từ nhiều năm trước đang giúp Hòa Phát miễn nhiễm với tác động từ đợt tăng giá điện, trong khi nhiều doanh nghiệp khác lao đao.

“Lá chắn” trước cơn sóng điện tăng giá

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,06 đồng/kWh từ ngày 10/5/2025, nối tiếp đợt điều chỉnh gần nhất hồi tháng 10/2024. Với mức tăng 4,8%, giới chuyên gia đánh giá đây là áp lực trực tiếp lên các ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn như thép, xi măng, hóa chất, giấy – những lĩnh vực vốn có tỷ trọng chi phí điện rất cao trong tổng giá vốn.

Hoà Phát
Không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí, hệ thống nhiệt điện dư còn tạo nên năng lực cạnh tranh mang tính dài hạn

Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Một đợt tăng giá điện như vừa qua hoàn toàn có thể làm giảm biên lợi nhuận hoặc buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Tuy nhiên, Hòa Phát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản này từ trước.

Hòa Phát từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thu hồi nhiệt và khí dư trong luyện thép để phát điện. Bằng cách tận dụng năng lượng tưởng chừng bị bỏ phí này, tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam đã từng bước chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất.

Trong năm 2024, các nhà máy nhiệt điện dư tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương và Dung Quất đã sản xuất tổng cộng 3,18 tỷ kWh điện – tương đương sản lượng của một nhà máy nhiệt điện tầm trung. Cụ thể, nhà máy Dung Quất cung cấp 2,39 tỷ kWh, đáp ứng hơn 90% nhu cầu điện nội bộ; Hải Dương đóng góp 788 triệu kWh. Với giá điện hiện hành, Hòa Phát ước tính đã tiết kiệm khoảng 5.400 tỷ đồng – một con số không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh giá điện tiếp tục leo thang.

Không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí, hệ thống nhiệt điện dư còn tạo nên năng lực cạnh tranh mang tính dài hạn. Tháng 2/2025, Hòa Phát đánh dấu mốc quan trọng khi Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất vượt 10 tỷ kWh điện lũy kế kể từ ngày vận hành – cho thấy chiến lược “tái tạo nội lực” này không chỉ khả thi mà còn cực kỳ hiệu quả.

Công nghệ làm nên khác biệt

Đằng sau thành công của Hòa Phát là chuỗi đầu tư bài bản vào công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các thiết bị đến từ các quốc gia G7. Các hệ thống như dập cốc khô, thu hồi nhiệt từ lò cao, tái sử dụng nhiệt thiêu kết, hay công nghệ Đúc – Cán liên tục (giúp duy trì nhiệt độ phôi từ 750–900°C mà không cần tái gia nhiệt) đều được áp dụng để giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành và giảm phát thải.

Đây không chỉ là công nghệ để “giảm chi phí”, mà còn là bước đi mang tính chiến lược nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật, môi trường và chi phí trong ngành thép hiện đại. Khi thế giới ngày càng khắt khe với phát thải CO₂ và chuỗi cung ứng xanh, thì hệ thống vận hành nội lực của Hòa Phát vừa là tấm chắn trước chi phí tăng, vừa là thẻ thông hành cho xuất khẩu và cạnh tranh toàn cầu.

Với nền tảng điện tự sản xuất mạnh mẽ, Hòa Phát không chỉ ứng phó tốt với biến động giá điện mà còn tối ưu chi phí để duy trì đà tăng trưởng. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 170.000 tỷ đồng trong năm 2025 – mức cao nhất từ trước tới nay. Trong bối cảnh giá đầu vào biến động, đặc biệt là điện và nguyên liệu, những doanh nghiệp như Hòa Phát – sở hữu khả năng kiểm soát chi phí nội tại – sẽ có lợi thế lớn nhất.

Về mặt tài chính, việc tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ điện tự sản xuất tương đương với việc tăng lợi nhuận trước thuế thêm hàng chục phần trăm mà không cần mở rộng quy mô. Đồng thời, việc giảm phụ thuộc vào điện lưới quốc gia cũng giúp Hòa Phát tránh rủi ro gián đoạn hoạt động sản xuất khi hệ thống điện gặp sự cố hoặc thiếu hụt công suất.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Một quyết định từ nhiều năm trước giờ giúp Hòa Phát đứng ngoài cơn sóng giá điện tăng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO