Một quán nhỏ, một chiếc xe và một Nghị quyết mở đường làm giàu
Tôi rời quán khi nắng vừa lên, trên tay là ly cà phê đen không đường. Trong đầu là một viễn cảnh không xa: Nghị quyết 68 khi đi vào thực tiễn thì những người đang đứng ngoài kia như cô Hạnh chắc chắn sẽ hồ bởi bước vào bằng chính đôi dép tổ ong và giấc mơ rất đỗi bình dị của mình.
Sáng nay, tôi ngồi ở quán cà phê đầu ngõ chỗ cô Hạnh bán đã hơn 12 năm, từ lúc chỉ có cái bàn nhựa và vài chiếc ghế bập bênh, đến nay có mái che, tủ bánh mì và cả máy pha cà phê nhỏ xíu.
Cô rót ly đen đá cho tôi rồi nói: “Hôm qua nghe Thủ tướng nói ‘toàn dân thi đua làm giàu’ mà cô thấy vui ghê. Mình bán ly cà phê thôi, cũng là làm giàu chứ bộ”!
Tôi bật cười. Nhưng rồi ngẫm thấy… đúng thật. Không phải ai cũng có ước mơ mở Công ty, xây Tập đoàn. Nhưng ai cũng muốn mình sống khá lên bằng chính đôi tay, khối óc của mình.

Và khi Nghị quyết 68 ra đời khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì những người như cô Hạnh bỗng… thấy mình được gọi tên.
Không phải trong một bài phát biểu mà trong một tầm nhìn. Không phải bằng lời hứa ngắn hạn mà bằng một chính sách mở đường.
Cô kể: “Cô từng muốn mở thêm tiệm ở đầu chợ. Nhưng thủ tục rắc rối, rồi ngân hàng không cho vay. Họ nói cô không có tài sản đảm bảo. Mà không có tài sản thì làm sao có doanh nghiệp? Cứ vậy mà cái giấc mơ nhỏ… nằm im luôn”.
Tôi nhìn cô rồi nhìn lại dòng chữ in trên bản tóm tắt Nghị quyết: “Đến năm 2030, khu vực tư nhân đóng góp ít nhất 55% GDP với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ phát triển bền vững…”.
Không phải con số làm tôi xúc động. Mà là chữ “bền vững” vì đây có thể là sợi dây vững chắc để những quán cà phê nhỏ như của cô Hạnh có thể tồn tại được 20 năm, 30 năm, truyền lại cho con cháu hoặc mở thêm nhiều chi nhánh.
Có người bảo: “Chính sách là thứ của cơ quan, của nghị trường”.
Tôi không nghĩ vậy.
Chính sách nếu đúng và kịp thời sẽ chảy đến từng con hẻm nhỏ nơi có những người đang âm thầm thi đua làm giàu. Họ chỉ cần được mở cửa, được tin tưởng và được hỗ trợ đúng lúc.
Cô Hạnh bưng ra thêm ly bạc sỉu cho khách quen.
Tôi hỏi: “Cô có nghĩ sẽ thử lại ý định mở thêm tiệm không?”
Cô gật đầu, nheo mắt: “Nếu ngân hàng chịu cho vay, nếu thủ tục đơn giản, nếu mình không phải chờ đợi ai… Thì sao không? Người ta mơ startup còn cô chỉ mơ có 2 quán đều đặn sáng chiều”.