Một ngày trước đại hội cổ đông FPT, mong gì từ ông lớn công nghệ?
Tại Đại hội đồng cổ đông 2024, FPT xác định chiến lược dài hạn của doanh nghiệp sẽ xoay quanh 5 lĩnh vực trọng yếu: Trí tuệ nhân tạo (AI), Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh.
Ngày mai (15/4), Công ty CP FPT (HOSE: FPT) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Đại hội năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt khi diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm: giá cổ phiếu FPT đã điều chỉnh giảm 23% so với đỉnh do áp lực chốt lời và tâm lý thận trọng trước làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ có thể phá vỡ chuỗi giá trị truyền thống trong ngành công nghệ.

Tuy nhiên, vượt qua những biến động ngắn hạn, FPT vẫn tiếp tục theo đuổi một kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, phản ánh qua mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng trong năm 2025 – tăng lần lượt 20% và 21% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là năm thứ năm liên tiếp tập đoàn duy trì tăng trưởng trên 20% – một kỳ tích hiếm có trong ngành công nghệ Việt Nam.
5 trụ cột chiến lược: Từ AI đến chuyển đổi xanh
Tại Đại hội đồng cổ đông 2024, FPT xác định chiến lược dài hạn của doanh nghiệp sẽ xoay quanh 5 lĩnh vực trọng yếu: Trí tuệ nhân tạo (AI), Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh. Trong đó, AI được xem là tâm điểm. FPT đã ký kết hợp tác với NVIDIA để xây dựng hệ thống nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cho ra đời nền tảng lập trình CodeVista nhằm nâng hiệu suất làm việc cho 10.000 kỹ sư.
FPT không chỉ nỗ lực phát triển công nghệ mà còn chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Gần 10.000 chứng chỉ NVIDIA đã được cấp chỉ sau chưa đầy một năm, và kế hoạch đào tạo 50.000 kỹ sư AI từ nay đến 2030 đang được triển khai bài bản, với các đối tác học thuật uy tín như giáo sư Yoshua Bengio (Viện Mila, Canada) và Andrew Ng (Landing AI).
Trong lĩnh vực bán dẫn, FPT đã có những bước tiến đáng kể khi đưa ra thị trường 10 mẫu chip, nhận đơn hàng 70 triệu đơn vị và đồng thời phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu cho 1.600 sinh viên. Cùng với chiến lược đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, tập đoàn đang từng bước mở rộng chuỗi cung ứng từ thiết kế, đóng gói đến kiểm thử – góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm bán dẫn khu vực.
Mảng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cũng được FPT tích hợp AI mạnh mẽ, nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững. Ở lĩnh vực công nghệ ô tô, FPT tiếp tục mở rộng nghiên cứu phần mềm cho xe điện, đồng thời cung cấp giải pháp quản lý carbon – đón đầu xu hướng ESG và điện khí hóa.
Thách thức từ thị trường và câu hỏi lớn tại đại hội
Dù định hướng đã được vạch ra rõ rệt, nhiều khả năng FPT sẽ không tránh khỏi những câu hỏi hóc búa từ cổ đông tại đại hội lần này. Trong đó, đáng chú ý là ảnh hưởng từ xu hướng AI mã nguồn mở như DeepSeek – có thể làm thay đổi cách định giá phần mềm toàn cầu. Một số nhà đầu tư lo ngại các mô hình AI giá rẻ sẽ làm giảm biên lợi nhuận ngành dịch vụ công nghệ, trong khi FPT đang đầu tư mạnh cho mảng này.
Chính sách thuế của Mỹ, căng thẳng thương mại quốc tế và chi phí R&D ngày càng lớn cũng là yếu tố cổ đông quan tâm. Theo đó, việc FPT tiếp tục đổ vốn vào AI Factory, Data Center tại TP.HCM, hay mở rộng mạng lưới nhà máy AI tại nước ngoài, sẽ cần được lý giải về tính hiệu quả và khả năng sinh lời trong dài hạn.
Ngoài ra, câu hỏi về cổ tức – đặc biệt là khả năng tăng tỷ lệ chia tiền mặt trong bối cảnh doanh nghiệp có nguồn vốn dồi dào – cũng được nhà đầu tư chờ đợi. Dự kiến FPT chia cổ tức tiền mặt 20% cho năm 2025, tương đương năm 2024, nhưng liệu đây đã là mức tối ưu?
Tầm nhìn mở rộng
Trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông 2025, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình cho biết FPT sẽ tiếp tục tăng tốc, kết nối mạnh mẽ hơn và sáng tạo nhiều hơn trong giai đoạn tới. Ông nhấn mạnh “Hôm nay, FPT không đi một mình – Việt Nam đã sẵn sàng” được đặt trong bối cảnh tập đoàn đang mở rộng chiến lược ra toàn chuỗi giá trị công nghệ, từ AI đến bán dẫn và giáo dục công nghệ.
Thông điệp này được cho đã phản ánh định hướng đưa FPT trở thành hạt nhân trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Các kế hoạch đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, phát triển nhà máy AI, mở rộng trung tâm dữ liệu và đầu tư công nghệ lõi được kỳ vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng lan tỏa, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho ngành công nghệ Việt Nam trong dài hạn.