Một ngành công nghiệp trụ cột châu Âu trước bờ vực sụp đổ
Ngành công nghiệp này của châu Âu đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Giá năng lượng cao, thuế quan từ Mỹ và sự trỗi dậy sản xuất từ Trung Quốc đang đẩy ngành này đến bờ vực sụp đổ.
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, ngành công nghiệp thép và kim loại của châu Âu – vốn được xem là xương sống của nền sản xuất đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố “Kế hoạch hành động về thép và kim loại châu Âu” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua tình thế bấp bênh hiện tại. Tuy nhiên, theo phản ứng từ các hiệp hội trong ngành, thời gian không còn nhiều và Brussels cần chuyển từ “kế hoạch” sang “hành động ngay lập tức”.
Ngành công nghiệp kim loại châu Âu đang bị tổn thất từ nhiều phía. Thứ nhất, giá năng lượng cao ngất ngưởng, gấp 5 lần so với Mỹ và Trung Quốc, đã khiến chi phí sản xuất trở nên không còn cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã buộc phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nhà máy do không thể gánh nổi chi phí điện và khí đốt.
Thứ hai, thuế quan của Mỹ đối với nhôm và thép nhập khẩu từ EU tiếp tục gây áp lực. Dù hai bên từng đạt một số thỏa thuận tạm thời, nhưng chính sách thương mại của Washington vẫn là rào cản lớn khiến xuất khẩu kim loại châu Âu chững lại.
Thứ ba, sự trỗi dậy mạnh mẽ từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang gây mất cân bằng thị trường toàn cầu. Bắc Kinh bị cáo buộc bảo trợ các ngành công nghiệp nội địa, gây ra tình trạng dư thừa công suất, khiến giá thành sụt giảm và làm xói mòn sức cạnh tranh của châu Âu.
Châu Âu hiện là khu vực duy nhất chứng kiến sản lượng thép suy giảm, trong khi Trung Quốc tiếp tục tăng tốc sản xuất, bất chấp lo ngại từ WTO và các tổ chức quốc tế.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã lựa chọn 47 dự án chiến lược trong lĩnh vực khai thác, chế biến và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng như lithium, niken, coban, mangan và than chì, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững trong nội khối.
Các dự án này sẽ được hưởng lợi từ quy trình cấp phép rút gọn, hỗ trợ tài chính, và ưu tiên phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng các kế hoạch vẫn đang nằm trên giấy và các nhà máy có thể không “trụ được” đến lúc chính sách được thực thi.
Ông Stephane Sejourne, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách Chiến lược công nghiệp, thừa nhận: “Đây là thời điểm then chốt cho châu Âu nếu còn muốn duy trì vị thế công nghiệp toàn cầu”.
Phản ứng trước kế hoạch của EU, các hiệp hội trong ngành đã lên tiếng mạnh mẽ.
Ông Henrik Adam, Chủ tịch EUROFER – Hiệp hội Thép châu Âu, cho rằng: “Chi phí năng lượng cao không chỉ làm tê liệt sản xuất thép mà còn kéo tụt toàn bộ chuỗi giá trị công nghiệp. Việc giảm chi phí năng lượng là sống còn.”
Trong khi đó, Hiệp hội Nhôm châu Âu do ông Paul Voss dẫn dắt cũng đưa ra cảnh báo: “Các kế hoạch hiện tại dù có hứa hẹn, nhưng không thể duy trì hoạt động nếu không được thực thi khẩn cấp. Chúng tôi đang chứng kiến đối thủ toàn cầu hành động quyết liệt và nếu châu Âu không nhanh chóng bắt kịp, thiệt hại sẽ là không thể đảo ngược.”
Trong vòng 3 năm qua, hàng loạt nhà máy luyện thép, tinh luyện nhôm tại Đức, Pháp, Ý và Ba Lan đã lần lượt cắt giảm công suất hoặc đóng cửa hoàn toàn. Họ không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp ở khu vực được trợ giá năng lượng như Trung Quốc, hay có nguồn năng lượng rẻ như Mỹ.
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng, nếu EU không có hành động thực tế trong năm 2025, ngành công nghiệp thép – kim loại của châu Âu có thể mất khả năng phục hồi vĩnh viễn, khiến châu lục này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, điều đi ngược lại chiến lược tự chủ chiến lược mà EU đã đề ra.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch và xung đột Nga – Ukraine đã làm rõ một điều: sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài là rủi ro chiến lược.
Trong ngành kim loại, sự chậm trễ trong đầu tư vào sản xuất nội khối sẽ khiến châu Âu mất khả năng kiểm soát giá, sản lượng, và cả tương lai công nghiệp.
Nếu EU không sớm có các biện pháp can thiệp thực tế – như trợ giá năng lượng, ưu đãi tài chính trực tiếp, miễn giảm thuế sản xuất – thì ngay cả những kế hoạch hành động được vạch ra chi tiết cũng sẽ trở thành... tờ giấy vô giá trị.