Một năm bận rộn của ngành xây dựng
Ngành xây dựng bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, trong điều kiện được kế thừa những thành quả và kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2011-2015, đồng thời phải đối mặt với không ít khó khăn chung của cả nước và những hạn chế trong ngành chưa được khắc phục.
Một trong nhiều chỉ báo sáng sủa trong quản lý, phát triển ngành xây dựng năm qua là giá trị sản xuất của ngành tiếp tục tăng khá cao, các chỉ tiêu phát triển duy trì được sự tăng trưởng so với năm 2015, hầu hết đều hoàn thành hoặc vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2016.
Những gam màu tươi tắn
Tổng kết của Bộ Xây dựng cho thấy, giá trị sản xuất ngành năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt 1.089,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so 2015 (đạt 104% kế hoạch năm).
Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng năm 2016 đạt khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 6,19% GDP cả nước (năm 2015 chiếm 5,97% GDP).
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành tăng trưởng khá cao cả về quy mô và giá trị sản lượng, nhất là khối các DN BĐS, VLXD, thi công xây lắp. Tổng số DN hoạt động trong các lĩnh vực của ngành xây dựng tại thời điểm 1/1/2016 ước khoảng 86.710, tăng 8.960 DN so với mốc 1/1/2015.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu hầu hết đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, điểm nhấn là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đã đạt 22,8 m2 sàn/người, tăng 0,8 m2 sàn/người so năm 2015, đạt 101% kế hoạch năm.
Thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bộ Xây dựng nhìn nhận, chất lượng quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới, tăng cường theo quy định Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Từ đây, chất lượng các công trình xây dựng cả nước cơ bản đảm bảo (năm 2016, cơ quan Bộ và 34 địa phương đã kiểm tra nghiệm thu khoảng trên 11.030 công trình, trong đó khoảng trên 97% đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng).
Hoạt động quy hoạch cũng ghi nhận nhiều đổi mới tích cực. Điển hình, Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch xây dựng hai vùng kinh tế lớn, trọng điểm là vùng Hà Nội và vùng Tp. HCM.
Bên cạnh công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là NƠXH theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, việc tái cấu trúc thị trường BĐS được triển khai đồng bộ; thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Cụ thể: giá cả ổn định; thanh khoản duy trì ở mức khá, cả về số lượng và giá trị; Cơ cấu hàng hóa BĐS ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho địa ốc giảm mạnh; tín dụng BĐS tiếp tục tăng trưởng khá…
Vệt xám bức tranh xây dựng
Nhìn lại 12 tháng đảm nhận trọng trách quản lý, phát triển ngành xây dựng, Bộ chủ quản nêu chi tiết về khá nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, không ít vấn đề xuất phát từ câu chuyện quy hoạch, đảm bảo chấp hành pháp luật ngành.
Đầu tiên, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật còn chậm. Thậm chí, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng chưa giảm, việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc – Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế – vốn được khá nhiều chuyên gia nhắc tới thời gian gần đây. Đơn cử, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ – gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá: vấn nạn ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn nhất cả nước này không thể chỉ giải quyết bằng việc tăng đầu tư hạ tầng; không phải chỉ đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông tốt là có thể tháo gỡ được vì càng đầu tư tốt vào hai đô thị này thì sự thu hút với người dân nơi khác càng cao, người dân kéo về tìm kiếm cơ hội việc làm càng lớn.
Theo Phó Thủ tướng, không bao giờ hạ tầng có thể “chạy theo” để giải quyết được đủ nhu cầu. Phó Thủ tướng yêu cầu cần gắn chặt quy hoạch đô thị với việc thực hiện theo kế hoạch để tránh tình trạng thành phố “lem nhem” vì ở nhiều nơi, việc tuân thủ quy hoạch chưa tốt.
“Muốn giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc, quá tải tại hai thành phố lớn nhất cả nước, cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn bớt dân. Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt là rất quan trọng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ở cương vị đứng đầu Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm: Đô thị hoá là quá trình tất yếu nhưng nếu không tính toán từ đầu, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Quy hoạch ban đầu được xây dựng từ sự góp ý của cả xã hội, thường là một sản phẩm rất tốt nhưng khi điều chỉnh quy hoạch lại chỉ có một nhóm nhỏ tham gia và chất lượng quy hoạch sau điều chỉnh không đảm bảo, không được như ban đầu nữa (!)
Theo Thời báo Kinh doanh